Những năm gần đây, huyện Thanh Hà đã ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Giáo viên Trường Mầm non Thanh Sơn chuẩn bị đón trẻ đến trường sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về thăm Trường Mầm non xã Thanh Sơn là cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi. Dù trường đang trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19 nhưng sân trường sạch sẽ, hệ thống bồn hoa, cây cảnh xanh tươi do hằng ngày vẫn được chăm sóc cẩn thận. Trường có 15 phòng học kiên cố 2 tầng. Mỗi phòng học rộng 120 m2, có nhà vệ sinh, phòng chứa đồ khép kín. Các phòng đều được bố trí các bảng biểu, ti vi, hình họa bắt mắt, hấp dẫn trẻ. Khu vui chơi liên hoàn được bố trí trong khuôn viên gần 1.000 m2 rộng rãi với đầy đủ đồ chơi như xích đu, cầu trượt... Trường có 1 phòng máy vi tính và 1 phòng âm nhạc rộng hơn phòng học. Cô giáo Nguyễn Thị Biển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết từ năm học 2017-2018, xã Thanh Sơn đầu tư xây dựng 5 phòng học, 1 bếp ăn với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020, nhà trường được ngân sách cấp trên hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 phòng học, cải tạo sân trường rộng rãi, thoáng mát.
Trường Tiểu học Thanh Hải cũng đang gấp rút hoàn thiện dãy nhà 3 tầng với 12 phòng học. Công trình do UBND xã đầu tư với tổng kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng. Hiện tại, trường vẫn phải tận dụng một số phòng đoàn, đội, thư viện để dạy học. Tuy nhiên đến hết tháng 5 công trình này sẽ hoàn thiện, bảo đảm đầy đủ phòng học, phòng chức năng cho giáo viên và học sinh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định 100% số trường học phải đủ diện tích tối thiểu theo quy định; phấn đấu 75% số trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc THCS đạt 65%, tiểu học đạt100%, mầm non đạt 54%. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, mỗi năm phấn đấu xây dựng từ 2-3 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện giao cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ phải có đủ cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia. Đối với những trường có diện tích hẹp, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với địa phương vận động nhân dân cạnh trường hiến đất mở rộng. Huyện tạo thuận lợi về thủ tục cho các xã thực hiện đầu tư, thuê đơn vị thiết kế, thi công...
Đối với nhiều xã, cơ sở vật chất trường học là một trong những chỉ tiêu khó đạt khi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Để tháo gỡ khó khăn, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn đã chủ động xử lý đất dôi dư, xen kẹp, đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu này. Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Việt cho biết năm học 2019-2020, nhà trường được địa phương đầu tư hơn 7,6tỷ đồng xây dựng nhà lớp học 2 tầng với 12 phòng. Công trình dự kiến hoàn thiện trong tháng 5 tới. Nhà trường cũng chủ động kêu gọi hỗ trợ từ phụ huynh học sinh để sắm sửa thêm các trang thiết bị học tập như máy chiếu, ti vi, hệ thống camera...
Theo ông Nguyễn Đức Tới, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, từ năm 2015-2020, xã đã đầu tư hơn 29 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học, trong đó xây dựng 14 phòng cho trường mầm non, 12 phòng cho trường tiểu học. Địa phương còn xây dựng một số công trình phụ trợ khác như nhà hiệu bộ cho trường mầm non, nhà đa năng cho trường THCS. Dự kiến giai đoạn 2020-2025, xã tiếp tục xử lý đất xen kẹp, dôi dư, đấu giá đất để tạo nguồn mở rộng khuôn viên các trường tiểu học và THCS, xây dựng sân cỏ nhân tạo, bể bơi cho học sinh rèn luyện thể thao.
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, các trường học còn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, 100% số phòng học được xây dựng kiên cố cao tầng, đạt mục tiêu đề ra. Toàn huyện đã có 57 trong tổng số 65 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 87,7%, vượt mục tiêu nghị quyết đại hội. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hằng năm ở các bậc học đạt khoảng 99,4%. Kết quả, thành tích giáo dục của huyện Thanh Hà luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh.
MINH NGUYỆT