Những năm gần đây, phong trào trồng và chơi cây cảnh ở huyện Thanh Hà phát triển rộng khắp. Nghề trồng cây cảnh đã mở ra hướng mới trong việc phát triển kinh tế của huyện, mang lại thu nhập cao cho người trồng.
|
Mỗi năm trang trại cây cảnh của ông Vũ Xuân Tiến ở thôn Hải Yến, xã Hồng Lạc cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng
|
Đến thăm trang trại cây cảnh của anh Nguyễn Văn Hậu ở thị trấn Thanh Hà mới thấy hết được sự kỳ công của nghề trồng cây cảnh. Anh Hậu sinh năm 1969, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình anh chuyển vào Nam sinh sống. Tại đây, anh đã làm việc cho đội chuyên cắt, tỉa cây cảnh thuê từ Nam Định vào. Đây là công việc nhẹ nhàng, cho thu nhập cao nên anh quyết định học nghề để tách ra làm riêng. Sau một thời gian, anh quay về quê sinh sống và đầu tư vào làm cây cảnh. Để có cây cảnh đẹp, ngoài việc ươm trồng cây, anh còn đi khắp nơi trong cả nước để thu mua phôi cây. Từ phôi cây, anh cắt, tỉa, tạo dáng, uốn hình thành những hình dáng đẹp, lạ mắt. Anh Hậu cho biết, để có một cây cảnh đẹp, như ý phải mất cả năm, thậm chí còn lâu hơn và rất kỳ công từ khâu chọn mua "phôi" cây đến việc chăm sóc, uốn tỉa. Muốn cây có bộ rễ đẹp, anh phải mua đá để ở dưới, sau đó đặt cây lên trên, quấn chăn bông xung quanh tạo môi trường ẩm cho rễ cây sinh trưởng, phát triển. Chăm sóc cho cành lá phát triển tươi tốt, sau đó mới dùng kéo cắt tỉa thu hẹp cành, tạo dáng, tạo thế cho cây. Giá trị của cây cảnh do nhiều yếu tố tạo thành: tuổi cây, loại cây, dáng cây... Hiện nay, trong vườn của gia đình anh có trên 70 cây với hơn chục loại khác nhau. Với nghề trồng và uốn tỉa cây cảnh kết hợp làm chậu cảnh, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Vốn là người yêu thích trồng cây cảnh từ nhỏ, lại thấy nhu cầu của thị trường lớn và không tốn nhiều công sức nên sau khi nghỉ hưu vào năm 2001, ông Vũ Tuấn Ngà ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt đã đầu tư vào phát triển cây cảnh. Khi mới đầu tư ông gặp phải sự phản đối của cả gia đình. Mọi người thấy ông bỏ ra hàng chục triệu đồng mua cây nên ngăn cản. Nhưng với quyết tâm làm giàu và thỏa mãn ý thích, ông Ngà không thay đổi ý định. Ông cải tạo mảnh vườn của gia đình thành nơi để cây cảnh. Ông đi khắp nơi trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn để tìm mua cây cảnh, học cách chăm sóc, tỉa cảnh, cách tạo ra những dáng cây đẹp. Sau một thời gian chăm sóc, cây cảnh đầu tiên ông bán thu lãi cả chục triệu đồng. Và cũng từ đó, ông Ngà tạo ra một phong trào chơi cây cảnh ở Tân Việt. Đến nay tất cả các con ông đều chơi cây cảnh. Qua 9 năm chơi cây cảnh, đến nay, ông Ngà đã có hơn 50 cây cảnh, tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng từ bán cây cảnh. Có tiền, ông lại đầu tư mua cây mới về chăm bón, nuôi dưỡng. Ông Ngà cho biết: Nghề trồng cây cảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, lòng đam mê, năng khiếu, sự cảm nhận và sáng tạo... Có một vườn cây cảnh như hiện nay, ông phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của.
Ở Tân Việt, không chỉ những người già, người có tuổi chơi cây cảnh, mà những người trẻ tuổi cũng tham gia tích cực vào phong trào này. Anh Phạm Huy Hoát ở thôn Cam Lộ chơi cây cảnh được 3 tháng nay nhưng trong vườn nhà anh đã có 30 cây cảnh, trị giá 300 triệu đồng. Trước đây, anh Hoát làm nhiều nghề sinh sống, thu nhập khá, song thường xuyên phải xa nhà. Được các bác, các chú vận động, anh tìm hiểu nghề trồng cây cảnh và yêu thích luôn từ đó. Anh Hoát cho biết, làm nghề này không tốn nhiều công sức, không vất vả, lo lắng mùa vụ mà lại cho thu nhập ổn định.
Không chỉ Tân Việt, thị trấn Thanh Hà mà phong trào trồng và chơi cây cảnh đã phát triển rộng khắp trong huyện Thanh Hà. Các hộ lựa chọn nghề này bởi mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng rãi và còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo ra cảnh quan xanh- sạch- đẹp. Để tập hợp những người chơi cây cảnh, năm 2006, Hội Sinh vật cảnh huyện Thanh Hà được thành lập, 16 xã, thị trấn thành lập được chi hội. Hội thu hút trên 600 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó 50 hội viên có số lượng cây lớn và có giá trị. Các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm tỉa cành, chăm sóc cây cảnh; tổ chức các buổi giao lưu, tham quan, hoặc đưa cây cảnh tham dự triển lãm... Loại cây cảnh được các hộ lựa chọn trồng nhiều là sanh, si, lộc vừng, cây me, phượng vĩ, cây du... bởi có thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Ngoài trồng trong diện tích vườn nhà, nhiều gia đình còn chuyển đổi ruộng cấy lúa một vụ sang trồng cây cảnh để nâng cao thu nhập. Cùng với nghề trồng cây cảnh, các hoạt động dịch vụ khác như: làm hòn non bộ, quay chậu cảnh, cắt tỉa thuê, vận chuyển... cũng phát triển tạo việc làm cho nhiều lao động.
Bên cạnh những thuận lợi, trong phát triển cây cảnh, người trồng cây cảnh ở Thanh Hà cũng còn gặp khó khăn. Hầu hết các nhà vườn đều ở trong làng, đường chật hẹp nên việc vận chuyển, giao lưu, buôn bán bị hạn chế. Trình độ thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng cây cảnh còn hạn chế; nhiều hộ dân thiếu vốn để mở rộng quy mô. Để nghề trồng cây cảnh ở Thanh Hà phát triển và trở thành thế mạnh của địa phương, những khó khăn trên cần được các cấp chính quyền cùng tháo gỡ.
THANH HÀ