Theo đoàn liên ngành huyện Thanh Hà đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi mới thấy hết cái khó của huyện trong kiểm soát vệ sinh ATTP.
Khi đoàn liên ngành kiểm tra, cửa hàng tạp hóa Hùng Loan ở xã Thanh Thủy bày bán nhiều mặt hàng đã quá hạn sử dụng
Thấy đoàn kiểm tra đến nhà, chị Lê Thị Loan, chủ cửa hàng tạp hóa Hùng Loan ở chợ Lại, xã Thanh Thủy "lẩn" vào bên trong không tiếp. Mặc dù trước đó cán bộ kiểm tra đã nhìn thấy chị ở cửa đi vào nhưng người nhà vẫn nói chị Loan đi vắng. Đến khi trưởng đoàn gọi điện thoại nhờ chính quyền xã can thiệp, chị Loan mới từ trong nhà đi ra và viện lý do "tránh mặt người mua hàng có thần kinh không bình thường lúc nãy, mong đoàn thông cảm".
Đây là cửa hàng lớn của xã chuyên bán buôn, bán lẻ bánh, kẹo, mắm, muối, mì chính... là những thực phẩm liên quan trực tiếp đến bữa ăn của mọi nhà. Sau khi kiểm tra, đoàn phát hiện rất nhiều mặt hàng ở đây đã hết hạn sử dụng mà vẫn được bày trên kệ trà trộn với những sản phẩm còn hạn sử dụng như đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, cửa hàng còn nhiều sản phẩm đóng trong túi không có nhãn mác, mã vạch và nguồn gốc xuất xứ. Đoàn yêu cầu cơ sở này xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng cả hai vợ chồng chủ cửa hàng đều nói giấy phép kinh doanh để trong két sắt và đã bị mất chìa khóa nên không lấy được... Khi đoàn yêu cầu tiêu hủy các sản phẩm đã quá hạn sử dụng, chủ cửa hàng chần chừ và nói "công ty sẽ đến đổi lại". Đoàn kiên quyết yêu cầu chủ cơ sở chấp hành, họ mới chịu mang một số gói bánh, kẹo ra tiêu hủy.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Mậu Tuất, từ ngày 1 - 31.1, đoàn liên ngành huyện Thanh Hà đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện nhưng cả 15 cơ sở đều không đạt. Trong quá trình kiểm tra, đoàn gặp nhiều khó khăn vì các chủ cơ sở không hợp tác. Ông Nguyễn Văn Phê, Trưởng Phòng Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện cho biết: "Thấy đoàn kiểm tra đến, nhiều chủ cơ sở đóng cửa, thậm chí nói những lời lẽ xúc phạm. Một số chủ cơ sở còn gọi điện ngay cho những người có thẩm quyền can thiệp nên muốn tuyên truyền cũng khó".
Thanh Hà hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều chủ cơ sở chưa có ý thức bảo đảm vệ sinh ATTP mà chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt. Đoàn chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan, không có những phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra như cân đối chứng, test nhanh, máy đo... Thành viên đoàn liên ngành làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không có chuyên môn sâu và chỉ kiêm nhiệm việc kiểm tra vệ sinh ATTP nên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng kiểm tra. Ngoài các đoàn kiểm tra của huyện, Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cũng về kiểm tra nhưng hai bên rất ít phối hợp dẫn tới hoạt động có lúc chồng chéo, chủ cơ sở phải tiếp nhiều đoàn riêng lẻ của cả tỉnh và huyện, gây tâm lý bức xúc.
Ông Phê đề nghị thời gian tới các đoàn kiểm tra của tỉnh cần phối hợp với đoàn của huyện để kiểm tra một lần, tránh gây áp lực cho cơ sở. Các xã cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho người dân, đặc biệt là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Luật ATTP, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
MINH NGUYỆT