Thanh Hà "VietGAP hóa" nông sản

01/02/2017 09:00

Được đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, nhiều loại cây ăn quả ở huyện Thanh Hà đã được nâng tầm từ hình ảnh, chất lượng cho tới giá trị.



Trồng ổi theo quy trình VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân


Hiện đã có 3 loại nông sản của huyện được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể gồm: vải thiều Thanh Hà, ổi Thanh Hà, bưởi Thanh Hồng.

Hàng sạch đi muôn nơi

Về Thanh Hà những ngày cuối năm, qua các xã Phượng Hoàng, Cẩm Chế, Tân Việt, Thanh An, Thanh Lang, Liên Mạc… đâu cũng bắt gặp nông dân thu hoạch ổi. Trên đường liên xã Liên Mạc - Thanh Xuân, hàng chục chiếc ô tô, xe máy nườm nượp vận chuyển ổi đi tiêu thụ. Ông Tiêu Công Bính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Mạc khoe: “Giờ chỉ còn ổi trồng đại trà là có quả bán chứ mấy chục ha trồng theo quy trình VietGAP đã được các khách sạn, siêu thị mua hết rồi. Chiều nay đại diện Tập đoàn VinGroup về xã tôi đặt mua ổi sạch nhưng đành hẹn đợt thu hoạch sắp tới”.

Đầu năm 2016, huyện Thanh Hà đã lựa chọn, quy vùng 40 ha ổi ở 2 xã Liên Mạc, Thanh Xuân để sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngay sau khi cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận sản xuất VietGAP an toàn cho 2 vùng ổi này, một trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh đã liên hệ đặt mua 3 tấn/ngày. Gia đình bà Phạm Thị Chi (58 tuổi) ở thôn Mạc Thủ 1, xã Liên Mạc có 1 mẫu trồng 400 gốc ổi theo quy trình VietGAP hồ hởi nói: “Trồng ổi VietGAP mặc dù phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về lượng phân bón và thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng được cái quả vừa có mẫu mã đẹp, lại ngon, sạch, giá bán cao hơn ổi trồng đại trà 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trồng ổi theo quy trình này còn giúp gia đình tôi tiết kiệm 150.000 đồng cho mỗi lần phun thuốc và khoảng 25 - 30% chi phí cho mỗi lần bón phân”.

"Giờ chỉ còn ổi trồng đại trà là có quả bán chứ mấy chục ha trồng theo quy trình VietGAP đã được các khách sạn, siêu thị mua hết rồi."

ÔngTIÊU CÔNG BÍNH
Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Mạc


Ổi là loại cây trồng mới được huyện Thanh Hà triển khai sản xuất thí điểm theo quy trình VietGAP nhưng vải thiều thì đã được áp dụng từ lâu. Bởi đây là một trong những cây trồng truyền thống, diện tích lớn, lại có tiếng trên thị trường và cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều diện tích vải trong huyện đã sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó có 140 ha được Trung tâm Kiểm định vùng 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giám sát để cấp chứng nhận VietGAP. Trong số này có 90 ha đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 10 ha đủ tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Hà, diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGAP sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây có quả đạt cao hơn mức bình quân chung, sâu bệnh gây hại ít, mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán cao hơn 2.000 - 5.000 đồng/kg so với diện tích vải trồng theo phương thức truyền thống. Năm 2016, sản lượng vải toàn huyện đạt 25.000 tấn, doanh thu gần 600 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ được tiêu thụ trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, hiện nay vải thiều Thanh Hà đã vươn tới những thị trường khó tính như Pháp, Úc, Canada… bằng đường chính ngạch.

So với vải và ổi, bưởi Thanh Hồng kém cạnh đôi chút về tiếng tăm nhưng hiện cũng đã có hơn 100 ha được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể và có chỉ dẫn địa lý. Bưởi Thanh Hồng quả to, múi dầy và có màu hồng, được thị trường ưa chuộng. Hằng năm, năng suất bưởi ở xã Thanh Hồng đạt khoảng 1.000 tấn, doanh thu 13 tỷ đồng.

Đòn bẩy để phát triển



Các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Thanh Hà ngày càng có tiếng trên thị trường


Huyện Thanh Hà hiện có gần 4.000 ha vải, gần 1.500 ha ổi và hàng trăm ha bưởi, quất. Các loại cây ăn quả nơi đây ngày càng khẳng định được thương hiệu và giá trị. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều diện tích vải được giám sát để cấp chứng nhận VietGAP. Riêng với cây ổi, chắc chắn sẽ có thêm 80 ha ở 2 xã Liên Mạc và Thanh Xuân được sản xuất theo quy trình này trong năm 2017. Ngoài ra, cây quất cũng sẽ được đưa vào “tầm ngắm” để áp dụng quy trình sản xuất sạch.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hà, thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, người dân cần cù, chịu khó, ham học hỏi là những tiền đề để địa phương phát triển, nhân rộng diện tích các loại cây ăn quả chủ lực. Song những chủ trương, chính sách đúng đắn, sự ưu tiên, quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp mới là yếu tố tiên quyết tạo đòn bẩy để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa cho nông dân.

Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo địa phương quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, huyện đã xây dựng các mô hình sản xuất vải, ổi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng phục vụ người tiêu dùng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của tỉnh còn tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nông dân vốn, vật tư khi tham gia mô hình, tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đầu tư nâng cấp giao thông, quy hoạch các điểm thu mua nông sản…

UBND huyện Thanh Hà thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. UBND các xã cũng thành lập ban chỉ đạo, các nhóm sản xuất, ban giám sát nội bộ thực hiện quy trình VietGAP. “Chúng tôi đã phát triển 8 cộng tác viên chuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn nông dân tham gia mô hình sản xuất cây ăn quả theo chuẩn VietGAP như cách thức chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại cho cây trồng… Do vậy, chỉ sau một thời gian nhiều người dân đã thông thạo quy trình kỹ thuật”, ông Tiêu Công Bính cho biết thêm.

"VietGAP hóa" nông sản đã tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho ngành nông nghiệp Thanh Hà nói chung, bà con nông dân nói riêng, giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất từ tự phát sang có quy trình bài bản. Sản xuất nông sản sạch, chất lượng gắn với xuất khẩu còn giúp hình thành thêm nhiều loại hình dịch vụ trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, toàn huyện Thanh Hà có 5 cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ bảo quản vải thiều, 1 công ty sản xuất thùng xốp, hàng trăm xe ô tô các loại phục vụ vận chuyển nông sản. Mỗi vụ thu hoạch vải tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 250.000 đồng/người/ngày.

NGUYỄN GIA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà "VietGAP hóa" nông sản