Việc làm tốt việc thu gom, xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, đã tạo ra nguồn lớn phân hữu cơ phục vụ chăm bón cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói đốt rơm rạ gây ra...
Ảnh minh họa
Thời gian qua, xã Thanh An (Thanh Hà) đã tổ chức tốt việc thu gom, xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, tạo ra nguồn lớn phân hữu cơ phục vụ chăm bón cây trồng, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.
Chị Ngô Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An phấn khởi cho biết: Năm 2010, Thanh An là một trong bốn xã của huyện Thanh Hà được chọn làm điểm triển khai dự án xây dựng mô hình xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ. Sau đó, Hội Phụ nữ được xã giao làm lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp tập huấn quy trình xử lý rơm rạ, tuyên truyền để hội viên hiểu rõ lợi ích của việc xử lý rơm rạ. Hội Phụ nữ xã cũng vận động cán bộ hội, Tổ trưởng Chi hội Phụ nữ các thôn, hội viên là đảng viên làm trước để các chị em khác noi theo. Từ đó, chị em trong các thôn người này vận động người kia, ai nấy đều bảo nhau thu gom rơm rạ dư thừa để xử lý làm phân hữu cơ. Vụ mùa năm 2010, vụ đầu triển khai mô hình, toàn xã mới chỉ có vài chục gia đình tham gia xử lý rơm rạ dư thừa, với số lượng ít. Vụ chiêm xuân năm 2011, toàn xã đã có gần 200 gia đình thực hiện, xử lý gần 300 tấn rơm rạ.
Ông Nguyễn Đắc Chiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Mặc dù chỉ có 110 ha lúa nhưng lượng rơm rạ dư thừa hằng năm của xã khá lớn. Lượng rơm rạ này một phần được bà con đốt ngay ngoài đồng và một phần vứt bừa bãi dọc các tuyến kênh mương, gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước. Năm 2011, thực hiện kế hoạch khung xử lý rơm rạ dư thừa được UBND tỉnh phê duyệt, xã Thanh An tiếp tục được chọn là 1 trong 72 xã trong toàn tỉnh triển khai đợt 1. Địa phương đã huy động các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn vào cuộc, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn bà con quy trình thu gom, xử lý. Xã vận động cán bộ, đảng viên đi đầu thực hiện. Thanh An cũng xây dựng quy chế thưởng, phạt rõ ràng nhằm khuyến khích nhân dân tích cực tham gia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con, vụ chiêm xuân năm nay, lượng rơm rạ dư thừa của xã đã cơ bản được thu gom xử lý làm phân bón hữu cơ. Tình trạng người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn không còn xảy ra. Thanh An trở thành xã có lượng rơm rạ được xử lý làm phân bón hữu cơ nhiều nhất trong toàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều bà con trong xã thấy được tác dụng của việc sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ dư thừa đã đề nghị xã mở rộng mô hình xử lý sang cây bèo tây, giúp bà con có thêm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh từ chính các chất thải trong nông nghiệp...
HÀ VY