Thẳng thắn nhìn lại những “khoảng tối” trong công tác cán bộ

08/10/2017 10:28

Sau án kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh và xử lý hàng loạt cán bộ, cần nhìn vào những "khoảng tối" trong công tác cán bộ.

Từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đến nay, dư luận liên tiếp chứng kiến những hành động mạnh mẽ của Đảng trong xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp ở cả trung ương lẫn địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Anh vừa bị xử lý kỷ luật (Ảnh: Soha)


Gần nhất, ngày 6.10, Ban Chấp hành Trung ương công bố quyết định kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng như tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, thêm một lần nữa củng cố vững chắc tuyên bố của Tổng Bí thư: không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý cán bộ mắc sai phạm.

Chia sẻ cảm xúc trước vụ việc xử lý kỷ luật người đứng đầu thành phố Đà Nẵng, nhiều người có cùng chung cảm nhận buồn nhiều hơn vui. Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói rằng, cảm giác đầu tiên của ông là buồn khi lần đầu tiên, một ủy viên trung ương tuổi còn trẻ bị kỷ luật vì những vi phạm liên quan đến kỷ luật Đảng, vi phạm đạo đức người cộng sản. Đảng đã mất nhiều công sức để đào tạo nên những cán bộ cao cấp và đặt trọn niềm tin vào họ, nhưng vì đồng tiền, danh vọng mà họ đã khiến Đảng thất vọng. Nhưng dù thất vọng, đau đớn khi phải xử lý đồng chí mình, Đảng đã thể hiện quyết tâm làm tới cùng. Sự quyết tâm này của Đảng khiến nỗi buồn dịu bớt bởi từ khi đổi mới đến nay, Đảng đã phát động nhiều đợt chỉnh đốn, nhưng đây là lần ấn tượng nhất, Đảng thể hiện sự cương quyết và mạnh mẽ nhất. 

“Việc đồng chí Nguyễn Xuân Anh - người trẻ nhất trong số các lãnh đạo ở trung ương bị kỷ luật đã là câu trả lời cho những ai còn băn khoăn trước tuyên bố của Tổng Bí thư đó là không có một vùng cấm, vùng an toàn nào. Tôi rất mừng vì điều đó”, ông Túc nói.

Với ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, hình thức kỷ luật của Ban Chấp hành trung ương dành cho đồng chí Nguyễn Xuân Anh là thỏa đáng, thể hiện sự nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, đặc biệt theo Nghị quyết Trung ương 4. Quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh sẽ là bài học để nhắc nhở, răn đe những trường hợp khác, những sai phạm cuối cùng cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý, không có cách nào, thế lực nào có thể che đậy được.

Từ việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và nhiều cán bộ cao cấp trước đó, ông Lê Văn Cuông cho rằng, cần có sự nghiêm túc, nhìn nhận lại những “khoảng tối” trong công tác cán bộ. Đó là quá trình cơ cấu vội vàng, gấp gáp; nhiều trường hợp chưa có trải nghiệm thực tiễn; quá trình thẩm định, đánh giá, cơ cấu cũng như bố trí vào các vị trí chưa được chặt chẽ và chuẩn xác; chưa kể nhiều cán bộ khi được đưa lên cũng thiếu sự rèn luyện, để cho vật chất, danh vọng chi phối, kiểm soát bản thân nên chỉ sau một thời gian đã để đánh mất mình, bộc lộ những sai phạm nghiêm trọng.

“Tôi thấy buồn và đáng tiếc cho Đảng, cho TP Đà Nẵng và gia đình ông Nguyễn Xuân Anh. Một thành phố được đánh giá là đáng sống như Đà Nẵng nhưng người đứng đầu thành phố lại bị kỷ luật bởi những sai phạm. Một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống lại coi nhẹ những thành quả ông cha mình gây dựng; đáng ra phải là một cán bộ có tâm, có tầm, vì dân phục vụ thì lại tự đánh mất mình cho vật chất, danh vọng. Đến giờ, hẳn dư luận Đà Nẵng có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi đã từng được nghe những tuyên bố hùng hồn của ông Nguyễn Xuân Anh, thậm chí cả kỳ vọng ông sẽ tiếp bước các thế hệ lãnh đạo đi trước đưa Đà Nẵng tiến lên vững chắc, nhưng đến giờ những tuyên bố ấy đã không hề song đôi với việc làm, hành động”, ông Cuông nêu suy nghĩ.

Bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH TP Hà Nội, cho rằng, vấn đề lớn trong bài học về công tác cán bộ là việc lựa chọn đầu vào. Phải có phương thức lựa chọn thật chuẩn để chọn được người có đức, có tài; phải lựa chọn trên nhiều ứng viên đối với một vị trí, tiêu chuẩn phải rõ ràng, cách thức tuyển chọn phải thực sự dân chủ, công khai, minh bạch. Lựa chọn được người trẻ là tốt nhưng ngoài việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, cần chú trọng xem xét, đánh giá thực chất cán bộ, phải chú trọng nội dung hơn là hình thức. Để đứng vào vị trí lãnh đạo, không chỉ có vấn đề bằng cấp mà quan trọng phải có quá trình rèn luyện, trau dồi qua thực tiễn, những kết quả đó sẽ nói lên năng lực của cán bộ đó đến đâu, có thể đảm đương những trọng trách quan trọng của người đứng đầu hay không. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự giám sát của các tổ chức Đảng và phải được làm thường xuyên. Đặc biệt phải có cơ chế để các đảng viên có quyền và điều kiện để giám sát hiệu quả.

“Sở dĩ có vụ việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và nhiều cán bộ khác thời gian qua, tôi cho rằng nguyên nhân chính nằm ở sự nể nang, để cuối cùng dẫn đến hậu quả không ai mong muốn”, bà An nói.


HÀ THANH(VOV)

(0) Bình luận
Thẳng thắn nhìn lại những “khoảng tối” trong công tác cán bộ