Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) tại hội thảo chuyên đề "Đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 17.6.
Theo ông Tường, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các trạm y tế xã, phường. Trong đó, giao Cục CNTT xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, theo lộ trình tháng 7.2019 triển khai đồng loạt toàn quốc.
Theo báo cáo từ 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến nay mới chỉ có 31 nơi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo ông Tường, các địa phương hiện nay rất quan tâm, hào hứng và đều có kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Tuy nhiên, điều bất cập là các phần mềm áp dụng hiện chưa liên thông được với nhau. Một số địa phương còn lúng túng khi triển khai trong việc lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và các hướng dẫn về khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý…
Để giải quyết các vấn đề này, hiện Cục CNTT đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định phương thức xây dựng mã và quy định về mã định danh y tế, tạo tài khoản người dùng và phân quyền quản lý.
Ngoài ra, xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống thông tin y tế liên quan, quy chế sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe, quy chế cập nhật dữ liệu và cơ chế tài chính...
Một vấn đề dư luận quan tâm là độ bảo mật thông tin người bệnh, ông Tường khẳng định: "Doanh nghiệp cung cấp phần mềm chỉ có trách nhiệm xây dựng triển khai, còn khai thác quản lý dữ liệu là thuộc Sở Y tế. Nếu xảy ra việc lộ thông tin thì doanh nghiệp, nơi quản lý máy chủ phải chịu trách nhiệm. Để đạt điều này cần có một quy chế phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu".
HOÀNG LỘC (Tuổi trẻ)