Chỉ trong ngày 6.3, bài viết ngắn của thần đồng Đỗ Nhật Nam viết cho mẹ mình trên Facebook nhận được hơn 8.000 lượt thích.
Đỗ Nhật Nam với chiếc cup giải Ba hạng mục Nguyên tắc quản trị kinh doanh kỳ thi DECA bang Pennsylvania, Hoa Kỳ năm 2017 - Ảnh: Facebook Đỗ Nhật Nam |
Thư gửi riêng một người mẹ, nhưng có lẽ nhiều người phụ nữ xúc động và tìm thấy ở đó hình ảnh chính mình.
Trích giới thiệu thư của Nhật Nam gửi mẹ:
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ rất hay quên. “Mẹ hay quên đường đi lối lại/Chợ Nghĩa Tân, Kim Mã hóa... La Thành”. Mẹ đã có lần đứng rất lâu trước cây rút tiền và băn khoăn vì sao không thể rút tiền, mãi rồi mới phát hiện ra là mẹ cho nhầm... chứng minh thư vào khe quẹt thẻ. Nếu mẹ định mua một gói bột giặt, mẹ sẽ vào siêu thị 1 tiếng, mua đủ các thứ, trừ... bột giặt.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ rất ít khi lên kế hoạch việc gì đó một cách chính xác. Mẹ luôn cuống cả kê mỗi khi hạn chót của công việc ập đến. Mẹ luôn than thở rằng sao mẹ có ít thời gian thế. Và “kế hoạch” mà mẹ hay làm nhất mỗi khi có quá nhiều việc là... đi ngủ.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ cũng hay cằn nhằn. Mỗi khi em làm hỏng việc gì đó, mẹ sẽ than thở, trách móc. Khi mẹ làm vỡ một cái bát chẳng hạn, mẹ sẽ nói: Ôi, sao cái bát này làm bằng chất liệu gì mà trơn thế. Còn nếu em làm vỡ, mẹ sẽ nói: Em ơi, em vụng về lắm í. Mẹ khổ vì em lắm í.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ rất hay “gây rối”. Buổi sáng, mẹ gửi ảnh mẹ mới cắt tóc. Mẹ hỏi “tóc này hợp không em ơi”. Em nói: hợp lắm, hợp lắm mẹ à. Đến chiều, mẹ lại gửi ảnh, lại nói tóc mới, lại hỏi hợp không em ơi. Em bảo, vẫn như sáng mà mẹ. Mẹ nói, không, là mẹ mới... gội đầu. Mệt ghê.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ đầy mâu thuẫn. Ví dụ mỗi tối thấy em ngồi học, mẹ nhắc: Học đi nhé, đừng lơ đãng. Nhưng rồi mẹ lại chép miệng: Học hành khổ ải, thôi cứ đi ngủ đi mà giữ sức.
Mẹ không phải để ngưỡng mộ...
Mẹ là để yêu thương.
Chỉ để yêu thương.
Nhiều khi em cứ tự hỏi, em nhớ mẹ vào thời điểm nào trong ngày: khi bình minh lên mênh mang khung cửa sổ? Khi hoàng hôn nhập nhoạng bóng cây đan? Hay khi đêm về nhớ mẹ tơ tằm rút ruột đan buồn sợi nhớ?
Không, em không biết.
Em chỉ thấy mẹ ĐẦY trong em cùng với sự không hoàn hảo của mẹ.
Giữa trí nhớ và trí quên.
Giữa cằn nhằn và an ủi.
Giữa trách móc và động viên...
Nên em thấy mẹ gần gũi biết bao nhiêu.
Mẹ không phải để ngưỡng mộ.
Mẹ là chỉ để yêu thương.
Em chúc mẹ có cả năm, cả cuộc sống đều là “ngày phụ nữ”, “ngày mẹ” mà không cần “tranh đấu”.
Cảm nhận về mẩu viết của đứa con trai đang đi học xa nhà (Mỹ - PV) trước ngày 8.3, mẹ của Đỗ Nhật Nam - chị Phan Hồ Điệp - nói: “Mình nhận được, vừa cười vừa rơi nước mắt. Mình có đôi chút xấu hổ, thấy, ừ, hóa ra nhiều khi mình tệ thật nhở. Nhưng lại ngây ngất vì những yêu thương của Nam dành cho mẹ. Mình luôn nói với Nam là không ai hoàn hảo, ai cũng có quyền sai, ai cũng có quyền thất bại. Và mình lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình. Nên Nam nhìn nhận những điểm yếu của mẹ khá thoải mái". "Nam đi học xa nhà đã gần ba năm. Hai mẹ con chẳng có thời gian ở bên nhau nhiều nhưng mình luôn cố gắng giữ kết nối, để Nam cảm thấy bình an. Một vài dòng tin nhắn vui đùa cũng là cách để mình đến gần với tâm hồn con, xóa bỏ khoảng cách “người trên và người dưới”. Có lẽ vì thế, Nam viết về mẹ bằng những lời chân thật tự trái tim. Mình coi những điều Nam viết như là món quà mà cuộc sống đã ưu ái tặng cho mình. Nếu có rơi nước mắt, thì đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc”. Còn Đỗ Nhật Nam chia sẻ: “Mẹ Điệp hay khóc, nếu con viết nghiêm túc quá thì mẹ dễ khóc. Nên con vừa viết vừa đùa cho mẹ vui. Với cả con nghĩ mỗi người con đều có một góc nhìn khác về mẹ mình, chứ không phải lúc nào cũng mẹ đẹp, mẹ giỏi. Sáng nay mẹ gửi con cái ảnh chụp đoạn chat hôm nọ của hai mẹ con, hôm đó con lỡ trêu mẹ hơi quá, con sợ mẹ buồn nên con viết bài để “làm hòa” đấy ạ. Thực ra khi viết một cái gì đó, con không nghĩ là nó hay hay không hay, con chỉ viết đúng những gì con đang nghĩ thôi”. |
ĐỖ NHẬT NAM