Thăm thẳm giếng làng

02/12/2018 08:31

Giếng làng như là một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở đó tròn vành vạnh khuôn giếng, khuôn trăng, khuôn mặt. Có vẻ rạng ngời chấp chới của bông hoa nắng, hoa nước.

Giếng làng như là một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở đó tròn vành vạnh khuôn giếng, khuôn trăng, khuôn mặt. Có vẻ rạng ngời chấp chới của bông hoa nắng, hoa nước. Có cái trong trẻo không đáy của tình người chưa bao giờ cạn. Có cái lặng lẽ khiêm nhường giấu bao bẽn lẽn để rồi từ tốn rót vào lòng người những tinh khôi, tinh khiết, thấm dần vào dạ cái mát lạnh còn hơi đất mà ngọt lịm tươi nở.

Giếng làng xây trong khuôn viên đình làng, là nơi tụ thủy của làng. Trong tâm thức mỗi người Việt, hình như ai cũng có một giếng làng, dù là giếng làng trong tâm tưởng, ở đó lưu giữ bao kỷ niệm. Giếng là mạch nguồn sâu thẳm, là lan tỏa những vòm sóng ký ức và nơi lưu bóng hồn quê làng. Giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê từ trong cổ tích, hiện hữu một cô Tấm nuôi con cá Bống còn sót lại như nuôi giữ cái khát vọng hướng thiện của con người, rồi giếng Ngọc ở đền Hùng Vương, giếng Mỵ Châu ở đền Cổ Loa...

Giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, nơi tích phúc để dân làng ăn nên, làm ra. Tự bao đời người ta truyền lại cho nhau một phương pháp đào giếng làng, vào trong đêm úp một cái bát nơi định đào giếng. Sáng ra thấy bát nào đọng nhiều hơi nước thì mạch nước ở đó tốt bởi là mạch dọc vì mạch dọc thẳng đứng nước nhiều và trong.

Cây đa, bến nước, sân đình là những biểu tượng văn hóa gắn với làng quê, hồn quê Việt tồn tại từ bao nhiêu năm. Hình ảnh giếng làng đã ăn sâu bám rễ vào tâm hồn người dân quê thuần hậu đến mức nó đã thành hình ảnh thân thương, gần gũi không những trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà cả trong đời sống tâm linh, trong tình yêu đôi lứa...
Tôi đã đi qua bao miền quê từ giếng đồi đá ong trung du Bắc Bộ đến miền Trung gió Lào cát trắng. Lạ thay, có những làng ven biển cách mép nước mặn mòi chưa đầy chục mét, lại có những cái giếng cát nông cạn nhưng từ đâu ngấm ra tích tụ và dâng đầy cả một khuôn nước ngọt. Ngọt như được lọc ra từ bao lớp xỉ than, xỉ đá ở các bể nước lọc công nghiệp.

Tôi đã đến với bao miền kênh rạch Nam Bộ, đã uống cạn những quả dừa Bến Tre, những lu nước mưa trong vắt. Nhưng cũng đã nhiều lần tần ngần buông chùng sợi dây gàu múc nước giếng trước một dáng hình thon thả áo bà ba, khăn rằn choàng vai, tóc dài bay trong gió của cô thôn nữ xứ miệt vườn. Và bao nhiêu cây trái sum suê trĩu nặng mùa hạ ngọt nồng lại được tưới từ những cái giếng mộc mạc đơn sơ đào ở góc vườn.

Giếng làng chính là một mảnh hồn quê vừa đau đáu vừa miên man nghĩ ngợi. Giếng như con mắt rồng nhìn thấu cả tâm tư con người từ cội nguồn mạch nước. Giếng làng chính là một dấu triện ấn vào tờ giấy bản đất đai thấm bao mồ hôi nước mắt.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, giếng làng không còn ở nhiều nơi như trước nữa. Con người đã lấp đất để lấy mặt bằng, nhưng trong tâm tưởng của mỗi người: “Giếng kia dù đã lấp đầy/Giật mình nghe tiếng gàu dây va thành” như ngày xưa nhà thơ Tú Xương đã từng giật mình nghe tiếng gọi đò trong "Sông Lấp". Đây đó tôi vẫn còn bắt gặp những chiếc giếng làng dù rêu đã xanh rì, đá nhẵn mòn nhưng nước thì vẫn trong, trời vẫn xanh tận đáy và cây đa cổ thụ mọc chòm râu năm tháng. Và giữa nơi đảo khơi xa, những chiếc giếng quê, chùa làng vẫn được khơi sâu, vẫn mọc lên như những cột mốc chủ quyền trường tồn cùng đất nước...

Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm thẳm giếng làng