Sử dụng năng lượng Mặt trời để nấu nướng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, làm chín thức ăn bằng ánh nắng trực tiếp thì có lẽ chỉ có ở Atacama (Chile).
Các bếp nắng được xếp ngay ngoài sân nhà dân, nấu ăn hoàn toàn bằng sức nóng từ Mặt trời.
Tại đây, chỉ cần một hộp rỗng có nắp thủy tinh, người Chile sẽ nấu được cả bàn tiệc.
Vùng đất ngập nắng
Atacama nằm tại phía Bắc của Chile và một phần nhỏ của Peru, ở độ cao 3.200m so với mặt nước biển và rộng 181.300 km2. Kể từ năm 1570 đến nay, sa mạc này hầu như không có mưa. Nó được Sách Kỷ lục Thế giới - Guinness ghi nhận là sa mạc khô nhất hành tinh.
Mỗi ngày ở Atacama luôn tràn ngập nắng. Dù vậy, nhiệt độ ở đây khá ôn hòa. Ngay cả trong những tháng mùa hè, ban ngày cũng chỉ nóng trung bình 27oC và ban đêm 16oC. Nhờ thế, vùng đất này vẫn là nơi sống của khá nhiều động - thực vật, thậm chí cả con người.
Theo đo đạc khoa học, Atacama có bức xạ Mặt trời cao nhất toàn cầu. Nếu ở hoang mạc Bắc Phi, độ sâu quang học (Aerosol Optical Depth - AOD, đơn vị đo lường và đánh giá chất lượng không khí) luôn trên 0,15 hoặc các sa mạc Trung Quốc luôn từ 0,24 - 0,36; thì tại đây chỉ 0,1. Nó có nghĩa là không gian Atacama ít bị bụi bặm, khói mù… che chắn nhất, tạo điều kiện cho ánh nắng chiếu rọi tối đa.
Năm 1989, tại Villaseca - vùng hẻo lánh nhất vẫn có người sinh sống ở Atacama, người nông dân tên Francisca Carrasco quyết định thử nấu chín thức ăn chỉ bằng ánh nắng.
Bếp hộp thần kỳ
Thiết kế bếp nắng rất đơn giản, chỉ là hộp rỗng có nắp trong suốt.
Villaseca nằm trong Thung lũng Elqui, thuộc diện nghèo đói. Người Chile ở đây có truyền thống nấu ăn bằng củi, sử dụng cây algarrobo, churqui và carboncillo. Vì Atacama vốn hiếm thực vật, hoạt động này của họ dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng.
Lo lắng cho hệ sinh thái và cuộc sống cư dân Villaseca, Viện Dinh dưỡng và Công nghệ Thực phẩm Chile (Chile’s Institute of Nutrition and Food Technology) nỗ lực tìm kiếm giải pháp nấu ăn khác. Năm 1989, họ phát hiện ánh nắng của Villaseca đủ nóng để làm chín thức ăn.
Ngay lập tức, viện này thiết kế và giới thiệu chảo hứng nắng. Carrasco và 25 gia đình khác tiên phong thử nghiệm giải pháp này. “Villaseca là ngôi làng đầu tiên ở Chile sử dụng ánh nắng nấu ăn”, Juan Ibacache, thư ký Hiệp hội Nghệ nhân Năng lượng Mặt trời (Trade Association of Solar Artisans) nhớ lại. “Chảo hứng nắng đã khiến mọi người phải kinh ngạc, nhưng vẫn có chút phiền. Đó là bạn phải lo điều chỉnh nó theo vị trí của Mặt trời”.
Trải qua thời gian, người Villaseca tự nâng cấp bếp hứng nắng. Họ thay thế dạng chảo bằng dạng hộp, gọn gàng và nhàn nhã.
Bếp hộp dùng nắng của Villaseca có bề ngoài giống như bất cứ chiếc hộp 4 góc nào, nhưng phần nắp phải bằng vật liệu trong suốt, ví dụ như kính. Khi nấu ăn, họ đặt nồi hoặc chảo chứa nguyên liệu vào bên trong hộp, đóng nắp lại rồi phơi ngoài trời.
Với bếp nắng, cư dân Villaseca có thể nấu vô số món ngon. “Chỉ cần bỏ thịt bê vào hộp, đợi 4 giờ là có món thịt hầm mềm đến nỗi cắt được bằng nĩa”, Luisa Ogalde, con gái của Carrasco cho biết.
Tùy vào nguyên liệu, bếp nắng cần khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ như nướng bánh mì cần cỡ 40 phút, luộc thịt heo, gà cần 2 giờ…
Thiên đường món hương nắng
Atacama tràn ngập nắng quanh năm.
Chẳng bao lâu, nấu ăn bằng nắng đã được toàn bộ người dân Villaseca yêu thích. Sự kỳ diệu của nó cũng khiến du khách các nơi hiếu kỳ, nô nức đổ tới xem và nếm thử.
Năm 2000, Villaseca mở nhà hàng nấu ăn bằng nắng đầu tiên: Delicias del Sol. Ban đầu, Delicias del Sol chỉ có sức chứa 24 thực khách. Giờ đây, nó đủ phục vụ 130 người, còn “đẻ” thêm 2 nhà hàng con và khơi cảm hứng cho loại hình kinh doanh mới mẻ này mở rộng khắp Atacama.
Tại Pica, ốc đảo nhỏ thuộc phía Bắc Atacama, Ruth Moscoso (người Aymara) tự hào giới thiệu quán ăn tư nhân Qori Inti. Trong tiếng Aymara, Qori Inti có nghĩa “Mặt trời rực rỡ”. Moscoso sử dụng 4 chảo hứng nắng, chế biến các món từ hạt diêm mạch và khoai tây.
“Văn hóa sống nơi đây cực kỳ quan tâm sức khỏe môi trường”, Moscoso chia sẻ. “Chúng tôi luôn suy nghĩ, làm thế nào vừa giữ gìn truyền thống lại vừa bảo vệ Trái đất. Tận dụng nắng chính là giải pháp tối ưu nhất”.
Học theo Atacama, Chile nhiệt tình phổ biến và khuyến khích các kiểu bếp nắng. Tại Thủ đô Santiago, công ty khởi nghiệp Antu Cocina Solar tung ra sản phẩm bếp nắng dạng ống, vừa tiện lợi vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Ngày nay, mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời Chile (Chile’s Solar Energy Research Centre) là phát triển nấu ăn bằng nắng. Họ đăng video hướng dẫn đóng bếp nắng tại nhà, chi tiết và đơn giản đến mức ai cũng có thể làm theo.
So với bếp củi và các loại bếp điện, gas… bếp nắng an toàn sinh thái tuyệt đối. Nó không gây khói bụi, không tốn nhiên liệu và tất nhiên cũng không đòi hỏi phí duy trì. Tất cả những gì bạn cần là 5 tấm ván và 1 tấm kính.
Nhiều thực khách ca ngợi giải pháp nấu nướng của Atacama là “ăn uống bền vững”. Các đầu bếp Atacama vui vẻ tiếp nhận, nhưng khiêm tốn rằng “đây chỉ là chuyện thường tình ở vùng đất giàu nắng mà thôi”.
Theo Giáo dục thời đại