Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định như vậy tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng ở TP.HCM tổ chức ngày 24-12.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong
“Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ tạo ra những nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một số người có quyền lợi quyền hạn” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Tại hội nghị, phần báo cáo của Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm liên quan đến kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng 10 năm qua có nhiều con số rất đáng chú ý.
Từ năm 2006-2015, ngành tòa án (hai cấp) thụ lý 199 vụ án tham nhũng với gần 650 bị cáo. Theo nhận xét của ngành tòa án, các vụ án hình sự sơ thẩm thuộc thẩm quyền thụ lý của TAND TP.HCM liên quan đến tham nhũng có tăng nhưng không đáng kể về số lượng vụ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng bị cáo ngày càng tăng mạnh. Đặc biệt có năm số bị cáo tăng đột biến.
Năm 2011, tòa thụ lý 22 vụ, trong đó có 64 bị cáo. Đến năm 2012 thụ lý 11 vụ, 37 bị cáo. Năm 2013 thụ lý 13 vụ với 50 bị cáo. Đến năm 2014 thụ lý 16 vụ với 59 bị cáo. Riêng năm 2015 số vụ thụ lý là 20 vụ nhưng số bị cáo lên đến 81 người.
“Kết quả trên cho thấy số lượng bị cáo tham gia phạm tội ngày càng đông. Điều đó thể hiện các bị cáo ngày càng thực hiện hành vi phạm tội một cách có tổ chức, móc nối với nhau, quy mô tổ chức ngày càng rộng và phức tạp” - ông Lê Thanh Liêm nói. Trong các loại tội phạm về tham nhũng thì số vụ và số bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản chiếm tỉ lệ cao nhất (118/199 vụ, chiếm gần 60%).
Theo báo cáo của UBND TP, năm 2014, số thiệt hại do tham nhũng lên đến gần 6.800 tỉ đồng nhưng Nhà nước chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 22%. Năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp hơn, chỉ đạt 10%.
Ông Lê Thanh Liêm cho biết: “Việc chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có là khâu khó nhất hiện nay”. Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định: “Đây là điểm nghẽn chung của cả nước và TP.HCM”.
Kiến nghị với trung ương, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đề xuất cần quy định kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn (ở địa phương từ phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên; ở cấp trung ương từ phó vụ trưởng trở lên) theo hướng bắt buộc việc cho trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn.
Nhìn lại việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, ông Lê Thanh Liêm thừa nhận việc kê khai tài sản còn nặng hình thức, chủ yếu quản lý bản kê khai và chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo. Chưa kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.
Trong thời gian tới, ông Liêm đề xuất bổ sung quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm một cách minh bạch, hợp lý thì bị xem xét, kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Theo Tuổi trẻ