Thảm kịch hàng không tồi tệ nhất thập kỷ tại Trung Quốc

22/03/2022 05:52

Vụ rơi máy bay chở 132 người hôm 21.3 được cho là tai nạn thảm khốc nhất gần đây ở Trung Quốc, quốc gia mà an toàn hàng không thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Sự kiện rơi máy bay bị đánh giá là thảm kịch hàng không tồi tệ nhất thập kỷ tại Trung Quốc

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc xác nhận chiếc máy bay Boeing 737 chở 132 người đã bị rơi vào ngày 21.3 tại một khu vực miền núi phía nam Trung Quốc.

Vụ rơi máy bay có thể trở thành một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều năm, sau một loạt tai nạn chết người vào những năm 1990, theo New York Times.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã thiết lập kỷ lục bay tương đối an toàn, nhờ vào đội máy bay mới và hệ thống kiểm soát trên không chặt chẽ.

"Chúng tôi rất sốc khi biết vụ tai nạn của chuyến bay MU5735 China Eastern", đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tập trung "mọi nỗ lực" cho việc cứu hộ và tìm ra "nguyên nhân của vụ tai nạn càng sớm càng tốt", theo AFP. Ông cũng ra chỉ thị "đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không dân dụng”.

Theo báo cáo trực tuyến của CCTV, “tình hình thương vong hiện vẫn chưa rõ”.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm xung quanh địa điểm máy bay rơi ở khu vực Quảng Tây Trung Quốc

Dữ liệu bất thường

Các báo cáo ban đầu cho thấy chiếc máy bay số hiệu MU5735 của hãng China Eastern bị rơi tại huyện Đằng, ở Quảng Tây khi đang bay từ Côn Minh đến Quảng Châu.

Trong khi xảy ra tai nạn, máy bay chở 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, theo cơ quan quản lý hàng không dân dụng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết thêm hãng hàng không xác nhận không có hành khách nước ngoài nào trên máy bay.

Theo dữ liệu chuyến bay, sau khi cất cánh từ sân bay Côn Minh, chiếc máy bay khoảng 7 năm tuổi này đang bay ở độ cao gần 9.000 m thì bất ngờ bổ nhào xuống hơn 6.000 m chỉ trong hơn một phút.

Hơn hai phút sau, dữ liệu cho thấy máy bay ở độ cao hơn 2.700 m. Trong 20 giây tiếp theo, độ cao cuối cùng được ghi nhận là gần 1.000 m. Máy bay mất liên lạc với hệ thống giám sát tại vị trí phía tây nam thành phố Ngô Châu lúc 14 giờ 21.

Đường đi của máy bay số hiệu MU5735 thuộc hãng China Eastern trước khi rơi ở phía tây nam Trung Quốc

Người dân tại khu vực này cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ như sấm rền. Ban đầu, người dân cảm thấy bối rối trước vụ nổ, nhưng ngay sau đó, họ thấy khói bốc lên lơ lửng trong khi một số người tìm được những mảnh vỡ vụn từ cánh và thân máy bay có ghi dòng chữ China Eastern Airlines.

Hãng tin nhà nước China News Service dẫn lời một dân làng họ Liu cho biết ông nhìn thấy các bộ phận của máy bay nằm rải rác trên mặt đất cùng nhiều mảnh quần áo mắc vào cây. Vụ rơi máy bay cũng gây ra đám cháy lớn trong phạm vi hơn 40.000 m2, nhưng ông không thấy bất cứ thi thể nào.

Vụ tai nạn sau gần hai thập kỷ bay của China Eastern

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21.3, cổ phiếu của China Eastern đã giảm 6,5% tại Hong Kong.

Một mảnh vỡ máy bay tại hiện trường

"Công ty gửi lời chia buồn sâu sắc tới các hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay", China Eastern cho biết trong một tài liệu gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, nhưng không đưa ra chi tiết về số người thiệt mạng, theo AFP.

Theo cơ sở dữ liệu an toàn hàng không, China Eastern Airlines có lịch sử bay an toàn và đã trải qua gần hai thập kỷ mà không xảy ra một vụ tai nạn chết người nào.

Cổ phiếu của Boeing cũng đã giảm 5% chỉ vài giờ sau khi thông tin về vụ rơi máy bay được công bố.

Chiếc máy bay gặp nạn hôm 21.3 là Boeing 737-800, máy bay chính được các đội bay trên khắp thế giới khai thác. Dòng Boeing 737-800 có lịch sử bay an toàn khá tốt và là tiền thân của mẫu 737 Max đã dừng bay tại Trung Quốc hơn 3 năm qua, theo sau các vụ tai nạn thảm khốc vào các năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Boeing đã đưa ra một tuyên bố ngắn: "Hãng đã biết về các báo cáo ban đầu của phương tiện truyền thông và đang làm việc để thu thập thêm thông tin".

Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết họ “sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực điều tra nếu được yêu cầu”.

Nếu Trung Quốc yêu cầu chính phủ Mỹ giúp đỡ trong việc điều tra thì Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia, cơ quan tiến hành các cuộc điều tra tai nạn, sẽ là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin. Cơ quan này cho biết trên Twitter rằng họ cũng đang "giám sát" vụ tai nạn.

Theo Cirium, nhà cung cấp dữ liệu hàng không, có gần 25.000 máy bay chở khách đang phục vụ trên toàn thế giới. Trong số đó, khoảng 4.200 chiếc, tương đương 17%, là máy bay Boeing 737-800 NG.

Phép thử mới với ông Tập

Giới chức Trung Quốc đã điều động gần 1.000 lính cứu hỏa và 100 dân quân địa phương làm nhiệm vụ cứu hộ đến địa điểm này. Theo sở cứu hỏa Quảng Tây, 117 nhân viên cấp cứu với khoảng 20 xe cứu hỏa đã đến hiện trường.

Ngay trước khi lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm kiếm mảnh vỡ máy bay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu giải cứu người sống sót bằng bất cứ giá nào.

“(Chúng ta) cần khởi động ngay lập tức các cơ chế ứng phó khẩn cấp và tổ chức tìm kiếm cứu nạn”, ông nói. “(Chúng ta) cần đẩy mạnh kiểm tra an toàn trong lĩnh vực hàng không dân dụng”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu giải cứu người sống sót bằng bất cứ giá nào

Lời hứa đảm bảo cuộc sống của người dân được an toàn được đánh giá là một biểu tượng quan trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước công chúng. New York Times đánh giá vụ tai nạn mới đây - thảm họa hàng không lớn đầu tiên mà đất nước trong hơn một thập kỷ - sẽ làm tăng thêm các vấn đề mà ông phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch và chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu các quan chức “cung cấp thông tin một cách trung thực và kịp thời, đồng thời giải quyết nguyên nhân vụ tai nạn một cách công tâm và nghiêm túc”.

Vụ tai nạn máy bay ngày 21.3 được xem là điều bất thường ở Trung Quốc - quốc gia từng xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không chết người vào đầu những năm 1990 nhưng sau đó trải qua một cuộc “đại trùng tu" và giữ kỷ lục an toàn hàng không tốt nhất thế giới trong hai thập kỷ qua.

"Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc duy trì quy định an toàn rất nghiêm ngặt, cần chờ thêm chi tiết để nhận định về nguyên nhân tai nạn", Shukor Yusof, người đứng đầu công ty tư vấn hàng không Endau Analytics tại Malaysia, nhận xét.

Trung Quốc đang lên phương án sử dụng máy bay C-919, được chế tạo ở Thượng Hải bởi một công ty nhà nước, để thay thế cho dòng Boeing 737-800 bị rơi vừa qua.

Một số vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử hàng không Trung Quốc gần đây:

Năm 1990: Một chiếc Boeing 737 do Xiamen Airlines (nay là Xiamen Air) bị không tặc cướp quyền kiểm soát và lao thẳng vào một chiếc Boeing 757 tại sân bay Canton ở miền Nam Trung Quốc vào ngày 2.10.1990, khiến 128 người thiệt mạng.

Năm 1992: Một chiếc Boeing 737 của Air China đang trên đường đến điểm du lịch ở miền Nam Trung Quốc thì đâm vào ngọn núi ở Quảng Tây, khiến 141 người trên máy bay thiệt mạng hôm 24.11.1992.

Năm 1994: Chiếc Tupolev-154 của hãng hàng không China Northwest Airlines do Nga sản xuất bị rơi ở tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 6.6.1994, khiến tất cả 160 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm 1999: Một chiếc Tupolev-154 khác do China Southwest Airlines vận hành phát nổ khi đang di chuyển từ thành phố Tây Nam Thành Đô đến Ôn Châu vào ngày 24.2.1999, khiến 61 người thiệt mạng.

Năm 2000: Một chiếc máy bay Yun-7 do Wuhan Airlines sản xuất tại Trung Quốc bị rơi trong cơn bão ở thành phố Vũ Hán vào ngày 22/6/2000, khiến 51 người thiệt mạng.

Năm 2002: Một chiếc McDonnell Douglas MD-82 do China Northern Airlines vận hành đã lao xuống biển khi bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Đại Liên vào ngày 7.5.2002, khiến toàn bộ 112 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm 2004: Một chiếc máy bay Bombardier CRJ200 do China Eastern Airlines vận hành lao xuống một hồ nước đóng băng ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc vào ngày 21.11.2004 chỉ một phút sau khi khởi hành, khiến 55 người thiệt mạng.

Năm 2010: Một chiếc máy bay phản lực Embraer ERJ-190 do Henan Airlines vận hành đã bốc cháy sau khi hạ cánh xuống sân bay ở Y Xuân, phía đông bắc Trung Quốc vào ngày 24.8.2010, khiến 44 người thiệt mạng. 47 hành khách và thành viên phi hành đoàn khác sống sót.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm kịch hàng không tồi tệ nhất thập kỷ tại Trung Quốc