Tham gia khắc phục mất cân bằng giới tính

02/03/2016 05:30

"Gia đình phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" là mô hình điểm về dân số.



Tuyên truyền về gia đình phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng
giới tính khi sinh tại xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)


Mô hình này do Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai tại các xã Tân Hưng (TP Hải Dương) và Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), sau 3 năm, đã đem lại những tác dụng rõ nét.

Tuyên truyền hiệu quả

Xã Cẩm Vũ có 3 thôn với 7.880 người. Năm 2012 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn xã là 130 bé trai/100 bé gái. Năm 2012, Cẩm Vũ được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn triển khai mô hình điểm "Gia đình phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS)". Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như viết 60 tin, bài, phát 240 lượt trên hệ thống truyền thanh của xã. Ban chỉ đạo mô hình còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn tuyên truyền lồng ghép với sinh hoạt thôn trong các ngày kỷ niệm như Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10; thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ dân số, văn nghệ, Hội Người cao tuổi, thông qua các vị chức sắc cho trên 3.500 lượt người. Nội dung tuyên truyền bám sát vào những vấn đề liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, các điều khoản nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi, thực trạng mất cân bằng giới tính của địa phương... Theo ông Hoàng Bá Viện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Vũ, khi triển khai mô hình, các cộng tác viên dân số đã tích cực gặp gỡ đối tượng tuyên truyền, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt các cặp vợ chồng có từ 1-2 con đều là gái có nguy cơ cao. Tiêu biểu như ở thôn Nghĩa Phú, tổ vận động cùng cộng tác viên dân số trực tiếp vận động 286 cặp vợ chồng ký cam kết không lựa chọn giới tính khi sinh.

Tình trạng MCBGTKS ở xã Tân Hưng  cũng luôn cao: năm 2010 là 179 bé trai/100 bé gái, năm 2011 là 134 bé trai/100 bé gái, năm 2012 là 112 bé trai/100 bé gái. Ông Phạm Văn Đông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Từ khi triển khai mô hình điểm, ban chỉ đạo đã tổ chức trên 100 cuộc tuyên truyền lồng ghép các nội dung KHHGĐ và khắc phục tình trạng MCBGTKS tại hội nghị của xã, của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể ở thôn. Ngoài ra còn viết 35 tin, bài phát hơn 100 lượt trên hệ thống truyền thanh. Ban chỉ đạo xã xây dựng nội dung cụ thể của mô hình và tổ chức cho 760 hộ dân ký cam kết thực hiện. Do được triển khai sâu rộng, các nội dung trong cam kết được các gia đình tuân thủ thực hiện.

Mô hình "Gia đình phật tử tham gia khắc phục tình trạng MCBGTKS" còn tạo ra sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của các vị chức sắc tôn giáo, các vị tăng ni. Xã Cẩm Vũ có 4 ngôi chùa do 3 nhà sư trụ trì với khoảng 1.200 phật tử. Khi triển khai, các vị chức sắc Phật giáo của địa phương, tiêu biểu như Đại đức Thích Thanh Hưng, trụ trì chùa thôn Nghĩa Phú đã tích cực tham gia phối hợp, vận động các gia đình phật tử không có hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, không phân biệt nam nữ... Với 7 ngôi chùa, 34 tăng ni, 1.300 phật tử, các nhà sư ở xã Tân Hưng cũng tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình phật tử, các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ chấp hành chính sách dân số, không lựa chọn giới tính khi sinh vào những ngày lễ, ngày rằm, mùng một, các khóa tu, ngày lễ Vu Lan. Đặc biệt sư thầy Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Cự Linh, thôn Thanh Liễu còn tổ chức làm lễ Hằng thuận tại chùa cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Tại buổi lễ, nhà sư đã giảng giải, hướng dẫn cho các cặp vợ chồng phải biết kính trọng ông bà, cha mẹ; vợ chồng phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau; khi mang thai không được lựa chọn giới tính thai nhi...

Thay đổi nhận thức

Mô hình điểm "Gia đình phật tử tham gia khắc phục tình trạng MCBGTKS" đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, xóa bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chị Phan Thị Quỳnh ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi thường xuyên đến chùa Cự Linh để nghe sư thầy Tuệ Hải giảng pháp. Qua đây sư thầy cũng lồng ghép nói chuyện, khuyên bảo về KHHGĐ, không lựa chọn giới tính, phá bỏ thai nhi. Bản thân tôi trước kia khá coi trọng chuyện con trai, con gái nhưng nay nhận thức đã thay đổi và thường khuyên nhủ các con mình không nên nặng nề".
Từ chuyển biến về nhận thức, tình trạng MCBGTKS tại các địa phương trên đã giảm. Đối với xã Cẩm Vũ, năm 2015, tỷ số giới tính là 83 bé trai/100 bé gái. Xã Tân Hưng còn 94 bé trai/100 bé gái (tháng 10-2015).

Tuy nhiên, mô hình cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, đối tượng tham dự còn hạn chế, việc tiếp cận đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ khó do họ đi làm việc tại các doanh nghiệp... Một số cán bộ, đảng viên, các vị chức sắc tôn giáo, tín đồ phật tử và nhân dân nhận thức về MCBGTKS chưa đầy đủ. Nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện cho các hoạt động còn hạn hẹp. Nếu không được duy trì, đẩy mạnh những kết quả mô hình đã đạt được sẽ khó giữ vững.

Trước đòi hỏi giảm MCBGTKS vẫn còn gay gắt, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, ký kết với Chi cục Dân số-KHHGĐ để nhân rộng mô hình ra 12 huyện, thành phố, thị xã. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức tôn giáo, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo tích cực tham gia. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trực tiếp tại cộng đồng với những nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở dịch vụ siêu âm, nạo phá thai...

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham gia khắc phục mất cân bằng giới tính