Thâm canh ngô nếp vụ xuân

10/02/2015 09:59

Hiện nay, cây ngô nếp đã được nông dân nhiều vùng lựa chọn vào cơ cấu các cây trồng có giá trị kinh tế cao.


Qua các mô hình trình diễn ở các vụ, chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm và lưu ý nông dân khi thâm canh cây trồng này như sau:

Chọn giống: Ngô nếp vụ xuân hay bị ảnh hưởng của thời tiết xấu, sâu bệnh vụ xuân cũng phát sinh và gây hại nhiều. Vì vậy, nên chọn các giống ngô lai có thân cây thấp và nhỏ nhưng cứng chắc, tán lá gọn, kháng sâu bệnh tốt, thích ứng được với những thay đổi, bất lợi của thời tiết khí hậu… như HN88, ADI600, MX10, ngô tím ngọt 099, Wax 48…

Thời vụ: Để an toàn cho ngô, nhất là thời kỳ mẫn cảm, nên bố trí gieo hạt sau tiết lập xuân (tốt nhất trong tháng 2 dương lịch).

Chọn đất: Nên chọn đất trồng ngô dễ tưới tiêu, có tầng canh tác dày và giàu dinh dưỡng. Đất trồng ngô nên cày sâu từ 15 - 20cm.

Ngâm ủ và đặt hạt: Đầu vụ ngô xuân thời tiết vẫn có nhiều đợt rét kéo dài, do đó người trồng cần hong khô hạt trước khi ngâm, sử dụng nước ấm 3 sôi, 2 lạnh để ngâm hạt từ 6 - 8 tiếng. Dùng khăn ẩm ủ hạt nơi ấm (trong thúng cỏ có bóng điện thắp sáng để thúc mầm). Ngô vụ xuân có thể đặt hạt đã ngâm ủ thúc mầm trực tiếp xuống ruộng mà không cần gieo ươm cây con để giảm công lao động. Nếu khi chuẩn bị tra hạt lại gặp đợt rét kéo dài thì nông dân cần gieo hạt đã thúc mầm vào chỗ đất cát ẩm có che phủ ni lông giữ ấm đợi đến khi mầm mọc khỏi mặt đất, thời tiết ấm mới đặt ngô ra ngoài ruộng để giảm thiểu lượng cây chết do rét. Với trường hợp này cần đưa ngô ra ruộng sớm (khi ngô có 2 lá mầm) không nên trồng muộn ngô sẽ rất còi cọc sau này.

* Chú ý:

- Do thời tiết đầu và giữa vụ ít có nắng nên người trồng cần có kỹ thuật đặt mầm để chỉnh tán lá ngô sao cho các lá ngả ra ngoài mép luống, vuông góc với hàng và không che khuất nhau để mọi cây ngô đều phát huy tối đa khả năng quang hợp tích lũy chất. Cách đặt như sau: Mé phôi mầm được nằm ngửa lên trên và hướng chân hạt phải vuông góc với rạch ngô. Khi đặt xong, cần chèn đất xung quanh mầm hạt để không bị xoay hướng khi ra lá, sau đó tiếp tục gạt nhẹ đất phủ mầm.

- Thời kỳ ngô bật mầm ra lá sau gieo cần giữ ẩm thường xuyên cho hạt, nếu không mầm sẽ chết. Cần dành một lượng nhỏ hạt đã thúc mầm gieo bổ sung trên nền bùn se để dặm vào những chỗ khuyết khi hạt bị thối hỏng sau gieo ngoài ruộng.

- Không nên gieo quá nông, gió bấc khô hanh sẽ làm hạt nhanh bị khô, không đủ độ ẩm dễ chết. Độ sâu gieo hạt tốt nhất từ 4 - 5cm (đất cát gieo sâu hơn đất thịt). Từ 18 - 20 ngày sau gieo cần xới xáo, tỉa cây định hình. Khi ngô được 3 - 5 lá, cần xử lý cỏ dại.

Chăm sóc: Để có năng suất cao, chất lượng tốt cần bón phân đầy đủ và đúng cách. Nguồn phân chuồng, phân hữu cơ rất tốt cho ngô xuân. Tùy theo các chân đất khác nhau, giống ngô khác nhau mà lượng bón cũng khác nhau. Ngoài đạm, lân, kali, nông dân cần bổ sung nguồn phân bón vi lượng cho ngô nếp xuân. Tốt nhất khi bón phân lót cho ngô nếp xuân người trồng cần bổ sung từ 1 - 1,5 kg phân bón siêu vi lượng/sào trộn cùng NPK để bón. Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh thay thế, lân, vôi trước khi gieo hạt. Thúc lần 1 khi cây có 3 - 4 lá: bón 1/3 lượng đạm + 1/3 kali; thúc lần 2 khi cây có 9 - 10 lá: bón 1/3 lượng đạm + 1/3 kali; thúc lần 3 khi cây sắp trỗ cờ bón nốt lượng phân còn lại...

Tưới nước: Vụ xuân thường hay bị thiếu nước nên cần chủ động nguồn nước tưới sao cho đủ.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thâm canh ngô nếp vụ xuân