Sĩ số lớp quá đông, cách tổ chức dạy "có vấn đề" và chất lượng giáo viên không đồng đều là nguyên nhân chính.
Nhiều thí sinh bị "mất gốc" môn tiếng Anh dẫn đến kết quả thi đạt thấp
Theo đánh giá của nhiều giáo viên và học sinh, đề thi môn tiếng Anh năm nay bám sát chương trình lớp 12. Trong số 64 câu trắc nghiệm, 2 bài đọc và 1 bài điền từ, chỉ có 20% kiến thức nâng cao. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức lớp 12 là hoàn toàn có thể đạt điểm 7 trở lên. Ấy vậy nhưng trong số 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia 2016 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tại Hải Dương, điểm thi trung bình môn tiếng Anh lại thấp nhất, ở mức 3,08 điểm, thấp hơn trung bình cả nước 0,4 điểm. Trong số 9.842 em dự thi có tới 8.768 em điểm dưới trung bình (chiếm 88,7%). Không có thí sinh nào đạt điểm 10. Kết quả tại cụm thi tốt nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cũng tương tự.
Chỉ đạt 2,5 điểm môn tiếng Anh nhưng em Nguyễn Thị Phương Lan ở khu 4, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) không có vẻ gì là buồn mà thậm chí còn cảm thấy may mắn vì không bị điểm liệt. Nữ sinh này cho biết vì học kém môn tiếng Anh nên càng ngày em càng không thích học môn này. Lan bắt đầu học môn tiếng Anh từ năm lớp 5. Khi bước vào cấp 2, cấp 3, em chỉ tập trung học các môn tự nhiên mà ít quan tâm đến tiếng Anh. Cứ thế, môn tiếng Anh của Lan bị hổng lượng kiến thức cơ bản khá lớn. Giống như nhiều thí sinh khác, Lan thi tiếng Anh chỉ cốt để lấy điểm đỗ tốt nghiệp. “Với những người mất gốc kiến thức như em thì việc học môn tiếng Anh rất khó. Em đành cố gắng học tốt môn khác để bù lại”, nữ sinh này nói.
"Mổ xẻ" nguyên nhân kết quả thi môn tiếng Anh thấp thảm hại, một giáo viên giỏi có thâm niên hơn 10 năm đứng lớp tại một trường THPT có tiếng của tỉnh cho rằng kết quả này hoàn toàn không bất ngờ, có điều nguyên nhân thì ai cũng biết nhưng không được khắc phục. Sĩ số lớp quá đông, cách tổ chức dạy "có vấn đề" và chất lượng giáo viên không đồng đều là nguyên nhân chính. "Không có học sinh dốt mà chỉ có thầy không biết dạy", giáo viên này thẳng thắn. Mỗi tiết học 45 phút nhưng sĩ số mỗi lớp bình quân từ 40-45 học sinh thì giáo viên có giỏi cũng khó bao quát hết. Để tiết dạy hiệu quả, giáo viên phải chia học sinh thành từng nhóm phù hợp với kiến thức để giảng dạy. Nhóm học lực yếu phải uốn nắn từ cách phát âm, học ngữ pháp, từ vựng... Nhóm khá hơn thì tổ chức trao đổi, giao tiếp bằng tiếng Anh để các em phát huy kỹ năng nghe, nói. "Sĩ số mỗi lớp từ 20-25 học sinh là phù hợp. Các môn học khác thì giữ nguyên nhưng đến tiết tiếng Anh cần tách làm 2 lớp", giáo viên này đề xuất.
Rất nhiều học sinh bị mất gốc tiếng Anh cũng là một nguyên nhân dẫn đến thảm bại trong kết quả thi của bộ môn này. Nhiều em vì học kém ngoại ngữ nên không yêu thích môn học, bởi thế giáo viên có cố gắng dạy đến mấy cũng không "ngấm" được. Một giáo viên dạy tiếng Anh kể: “ Trong lớp 12 tôi dạy có một em thi tiếng Anh được hơn 1 điểm. Em này mất gốc hoàn toàn từ cấp 2 nên không thể tiếp thu kiến thức của lớp mới. Dù tôi đã cố gắng quan tâm nhưng thời lượng môn tiếng Anh ít ỏi nên không thể chỉ tập trung giảng lại kiến thức cơ bản cho một mình em ấy”. Giáo viên này cũng cho biết mục tiêu của mỗi lớp, mỗi em khác nhau, lớp chuyên ban A, B, C không chú trọng môn học này nên giáo viên đôi khi chỉ dạy theo nhu cầu người học.
Một nguyên nhân khác khiến chất lượng học tiếng Anh không hiệu quả xuất phát từ việc hầu hết các trường đang dạy bằng máy chiếu. Các slide được thiết kế sẵn trên Powerpoint chỉ tiện cho giáo viên nhưng lại khiến học sinh khó theo kịp bài giảng. Những em học khá trở lên còn ghi chép được song những học sinh có mức học trung bình trở xuống sẽ rất khó tiếp thu. Sau mỗi tiết học, có những em chỉ ghi được vài dòng, nhiều em để giấy trắng. "Thầy cô viết lên bảng chúng em dễ theo dõi hơn. Cũng vì học bằng máy chiếu mà nhiều bạn lực học yếu ngày càng đuối, sinh ra chán nản", em Nguyễn Thị Phương Lan cho biết.
Những tiết học Tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đứng lớp thường sôi nổi, giúp học sinh dễ tiếp thu hơn
Chất lượng giáo viên dạy môn tiếng Anh cũng rất đáng lo ngại. Trên hồ sơ giấy tờ, hầu hết các giáo viên đều đạt chuẩn trở lên nhưng không ít trong số đó đào tạo không chính quy. Có những giáo viên được đào tạo chính quy nhưng không phải trường chuyên sâu ngoại ngữ. Cũng có giáo viên năng lực chuyên môn tốt nhưng không say nghề... "Giáo viên dạy sai, phát âm sai không phải hiếm. Nhiều em học ở lớp cô nói thế này nhưng học thêm thầy lại bảo thế kia, thành ra các em không biết nghe ai", một phụ huynh am hiểu môn học này nói.
"Căn bệnh" thành tích trong giáo dục cũng là nguyên nhân khiến học sinh không biết lực học của mình đang ở đâu. Số học sinh có học lực tiếng Anh giỏi, khá, trung bình cuối lớp 12 của các trường cao hơn rất nhiều so với kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Phương Lan nói trên, điểm tổng kết môn tiếng Anh lớp 12 của em đạt 6 điểm nhưng điểm thi chỉ đạt 2,5. Em Phạm Minh Khang ở khu 7, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) từng giành giải ba kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh toàn tỉnh năm 2016 có điểm tổng kết cuối năm 9,6 nhưng kết quả kỳ thi THPT quốc gia em cũng chỉ đạt 8,93 điểm. Kết quả này cho thấy có sự xuê xoa trong việc ra đề và chấm điểm tại các trường hiện nay. Khi điểm không sát, chất lượng học sinh bị méo mó dẫn đến học sinh, phụ huynh, thậm chí ngay cả giáo viên chủ quan, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị kiến thức cho các em trước kỳ thi. "Đề thi học kỳ lớp 12, kể cả đề thi thử cũng dễ hơn nhiều so với đề thi THPT quốc gia nên nhiều bạn bất ngờ", em Phạm Minh Khang nói.
Trong một lần sang thăm Việt Nam, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói đất nước ông phát triển được là do biết chú trọng dạy tiếng Anh cho toàn dân, để người dân Singapore đi khắp thế giới kiếm tiền về cho đất nước và những người ở nước khác cũng có thể tới Singapore để làm ăn, kinh doanh. Đây cũng là bài học mà chúng ta cần suy ngẫm để khắc phục tận gốc những hạn chế trong việc dạy và học môn tiếng Anh. Để nâng cao chất lượng môn học này, ngoài việc khắc phục những hạn chế trên, ngành giáo dục và đào tạo cần chú trọng việc dạy và học môn tiếng Anh ngay từ lớp 1. "Trẻ nhỏ dễ tiếp thu ngôn ngữ nhất. Học sinh ở Singapore vào tiểu học đã biết 1.000 - 2.000 từ tiếng Anh", một giáo viên chia sẻ.
PV