Thai to mẹ chớ vội mừng

09/12/2017 08:58

Khi mang thai, với suy nghĩ "ăn cho hai người" nên nhiều chị em cố gắng bồi bổ thật nhiều để em bé phát triển tốt nhất.

Khám thai thường xuyên là cách tốt nhất để theo dõi cân nặng, sự phát triển của thai nhi

Nhiều người cũng cho rằng các chỉ số chiều cao, cân nặng của thai nhi càng vượt chuẩn càng giúp em bé sau khi sinh ra có một thể trạng tốt, gia đình sẽ bớt lo lắng trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhưng thực tế thai nhi quá to ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Ngay khi biết mình có thai, chị L.K.D. ở phố Dã Tượng (TP Hải Dương) đã tìm đủ mọi cách để bồi bổ cơ thể. Chị uống thuốc bắc để dưỡng thai và thường xuyên ăn các món bổ dưỡng mong cân nặng của con sẽ đạt chuẩn. Bà N.T.C., mẹ chị D. chia sẻ: "Hồi mới có bầu, con gái tôi bị nghén không ăn uống được nhiều. Sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nên qua giai đoạn nghén gia đình tích cực tẩm bổ để cả hai mẹ con đều khỏe". Gia đình chị D. bồi bổ cho bà bầu đủ món, từ gà tần, tim hầm, chim hầm hạt sen đến trứng gà, trứng ngỗng... Vì thế, dù mới ở tuần thứ 32 của thai kỳ nhưng chị D. đã tăng 20 kg so với trước khi mang bầu. Siêu âm ước lượng cân nặng của thai nhi đã 2,9 kg, vượt 1,2 kg so với ngưỡng chuẩn ở tuần tuổi này. Xét nghiệm máu cho thấy chị D. đã mắc tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ yêu cầu chị D. điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, giảm tinh bột, đường để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Đến giờ chị N.H.C. ở thôn Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang (Gia Lộc) vẫn không thể quên hồi sinh con gái đầu lòng. Suốt quá trình mang thai, chị C. được gia đình bồi bổ khá tốt nên cân nặng thai nhi tăng nhanh chóng. Bản thân chị C. cũng tăng gần 30 kg từ khi mang bầu cho đến trước khi sinh. Chị C. đến Bệnh viện Đa khoa huyện đăng ký sinh thường dù bác sĩ tiên lượng thai nhi nặng trên 4 kg. Ngày chuyển dạ, kết quả siêu âm thai nhi đã đạt 4,7 kg, nếu để sinh thường sẽ không an toàn cho cả mẹ và con nên các bác sĩ phải chỉ định mổ đẻ.

Việc mang thai to là mong muốn của nhiều bà mẹ cũng như người thân trong gia đình, song không phải thai cứ to vượt chuẩn là có thể yên tâm. Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến cổ tử cung lớn, gây chèn ép cơ hoành, làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở. Trong quá trình chuyển dạ, thai nhi càng to càng khó sinh. Việc kéo dài thời gian sinh và bị mất nhiều máu sẽ khiến mẹ dễ gặp các tai biến sản khoa. Những trẻ sơ sinh nặng cân dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn, trẻ phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu...

Để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, các bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khẩu phần ăn phải cân bằng giữa các nhóm chất, hạn chế ăn đường, đồ ngọt và quá nhiều chất béo. Nên tập luyện các bài thể dục dành cho bà bầu để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng hợp lý, trong suốt thai kỳ người mẹ không nên tăng quá 15 kg. Các bà bầu cần thường xuyên khám thai định kỳ, theo dõi chỉ số thai nhi và chỉ số đường huyết của mẹ. Nếu có hiện tượng bị tiểu đường thai kỳ cần phải thực hiện nghiêm hướng dẫn của bác sĩ. Theo các bác sĩ, cân nặng lý tưởng của thai nhi từ 3,2-3,5 kg.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thai to mẹ chớ vội mừng