Xã Thái Thịnh (Kinh Môn) đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân và địa phương để tạo sức bật về đích trong xây dựng NTM.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Thái Thịnh khang trang hơn
Tạo động lực từ phát triển kinh tế
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã Thái Thịnh mới đạt 9 tiêu chí, chủ yếu là tiêu chí mềm. Sau 5 năm thực hiện, xã hoàn thành 16 tiêu chí nhưng các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển về kinh tế và chăm lo đời sống tinh thần cho người dân vẫn còn dở dang, là rào cản khiến xã khó có thể cán đích NTM. Ông Phạm Bá Tuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thời gian đầu, tác động của phong trào vẫn chưa thật sự rõ nét, một số tiêu chí đã đạt không ổn định nên khó duy trì. Có thời điểm phong trào xây dựng NTM của xã bị chững lại. Trước thực trạng này, Đảng ủy, UBND xã đã họp, phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn để đưa ra giải pháp tối ưu, quyết tâm đạt chuẩn NTM trong năm 2016".
Thái Thịnh xác định do không có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp nên địa phương tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Xã khuyến khích người dân duy trì 2 nghề truyền thống là chế biến mỳ gạo và giò chả. Khoảng 220 hộ trong xã hiện có thu nhập ổn định từ hai nghề này. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho 300 hộ tham gia hoạt động thương mại cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Lực lượng lao động trẻ trong các nhà máy, xí nghiệp cũng góp phần cải thiện cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tuy sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh bởi diện tích đất canh tác chỉ có 224,4 ha song xã Thái Thịnh vẫn khai thác tối đa giá trị kinh tế từ lĩnh vực này bằng việc quy vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Xã quy hoạch 145,3 ha đất trồng lúa, vận động nông dân gieo cấy các giống lúa đặc sản, chất lượng cao. Hai vùng sản xuất rau màu chuyên canh với tổng diện tích 70 ha thường xuyên có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. Khu chăn nuôi tập trung được xây dựng ở vị trí thuận tiện, các điều kiện sản xuất được bảo đảm. Sản xuất bắt nhịp được với xu thế phát triển nên giá trị sản xuất nông nghiệp của xã luôn ở mức cao, đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Thái Thịnh xây dựng được 3 mô hình liên kết, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Định hướng đúng đắn đã tạo ra bứt phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở Thái Thịnh. Người dân phấn khởi vì đời sống được nâng cao nên chung sức, đồng lòng cùng chính quyền xây dựng NTM. Vì vậy, trong tổng số 148 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM ở Thái Thịnh có quá nửa do người dân đóng góp.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí
Về đích NTM cuối năm 2016 theo đúng kế hoạch nhưng xã Thái Thịnh vẫn chưa bằng lòng với kết quả đạt được. Từ thành công bước đầu, xã kêu gọi người dân hưởng ứng nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng tốt hơn đời sống dân sinh.
Trong năm 2017, Thái Thịnh tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, mở rộng trục đường chính, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Mặc dù diện tích đất làm đường đều là đất thổ cư có giá trị lớn nhưng người dân vẫn sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi gì thêm. Bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Tống Xá cho biết: "Nhờ có phong trào xây dựng NTM mà bộ mặt làng quê thay đổi, khang trang, sạch đẹp hơn. Đây là lần thứ ba chúng tôi hiến đất nhưng các hộ vẫn vui vẻ, tự nguyện phá dỡ tường bao, cổng nhà, thậm chí cả nhà để mở rộng đường".
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, Thái Thịnh đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo và mở rộng bãi rác tập trung, đồng thời thành lập đội vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom, tập kết rác thải đúng quy định. Hiện xã đang nghiên cứu xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho làng nghề để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và hạn chế tác động tới môi trường nước.
Ngoài thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã Thái Thịnh quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện đời sống văn hóa cho người dân. Năm 2017, xã xây mới 8 phòng học để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Khu trung tâm văn hóa thể thao xã và nhà văn hóa thôn được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Đây cũng là điểm kết nối cộng đồng, người dân đóng góp quan điểm, ý kiến về các vấn đề chung của xã, tạo khối đoàn kết thống nhất trong toàn xã.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Thái Thịnh về đích NTM là do ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, xã còn linh hoạt đề ra các giải pháp để khai thác nội lực của địa phương, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế. Mặc dù đã đạt chuẩn NTM nhưng Thái Thịnh vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến sự hài lòng của người dân. Đây chính là điểm sáng trong bức tranh nông thôn mới của huyện.
PV