Dù tạo được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân nhưng việc sáp nhập thôn, khu dân cư ở xã Thái Dương (Bình Giang) vẫn chưa hết khó.
Nhờ tích cực tuyên truyền nên đến nay người dân xã Thái Dương đã đồng tình với việc sáp nhập thôn, ấp
Xã Thái Dương hiện có 8 thôn, ấp với 1.976 hộ, 6.499 nhân khẩu. Qua rà soát, đánh giá, ấp Hà Tiên và ấp Kinh Dương không đủ tiêu chí về dân số nên thuộc diện phải sáp nhập. Phương án của địa phương là sáp nhập ấp Hà Tiên với thôn Hà Tiên thành lập thôn Hà Tiên, ấp Kinh Dương với thôn Kinh Dương thành lập thôn Kinh Dương. Việc sáp nhập, thành lập thôn Kinh Dương cơ bản thuận lợi. Ngay lần đầu lấy ý kiến, trên 80% số dân đã đồng tình. Trong khi đó, việc sáp nhập ấp Hà Tiên với thôn Hà Tiên lại không được thuận lợi khi tỷ lệ đồng tình sáp nhập chỉ đạt 10%.
Nguyên nhân là do khoảng cách địa lý, giao thông của 2 nơi này không thuận lợi. Dòng sông Cửu An chảy qua địa phận xã Thái Dương chia tách ấp Hà Tiên với các vùng khác của xã. Ấp Hà Tiên với diện tích 108,02ha, nằm men theo bờ sông Cửu An. Từ đầu ấp đến cuối ấp dài khoảng 3 km. Trước đây, để giao lưu, thông thương với các nơi bên kia sông, người dân ấp Hà Tiên phải đi qua cây cầu phao với mức phí từ 1.000-5.000 đồng/lượt. Năm 2014, đơn vị thi công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bắc một cây cầu sắt phục vụ việc vận chuyển nguyên liệu qua sông. Từ đó, người dân ấp Hà Tiên chủ yếu đi qua cầu này. Dù vậy, địa phương cũng không chắc chắn cây cầu có thể tồn tại đến khi nào vì nó thuộc quyền sở hữu của đơn vị thi công.
Ông Vũ Văn Khoa, Trưởng ấp Hà Tiên cho biết: “Ấp Hà Tiên có hơn 160 hộ dân nằm rải rác bên bờ sông. Con đường chính chạy qua ấp dài 3 km nhưng mới đổ bê tông 1 km, còn lại là đường đất, đi lại rất khó khăn”. Khi có chủ trương sáp nhập thôn, ấp, nhiều người dân trong ấp không đồng tình vì ấp có diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông khó khăn, từ bên này sang bên kia phải đi đoạn đường dài 2-4 km.
Để tạo sự đồng thuận, nhất trí của người dân, xã đã tập trung chỉ đạo, huy động tất cả các đoàn thể vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân để thấy rõ những lợi ích của sáp nhập thôn, ấp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khi nhân dân đã đồng thuận, ủng hộ, việc sáp nhập thôn, ấp ở Thái Dương vẫn gặp khó ở công tác cán bộ.
Theo đề án, sau sáp nhập, số người hoạt động không chuyên trách các thôn ở Thái Dương là 30, giảm 8 người so với trước. Ở 2 thôn mới sẽ có 4 cán bộ hoạt động không chuyên trách gồm: Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, phó thôn kiêm trưởng ban công tác mặt trận, thôn đội trưởng kiêm y tế thôn và công an viên. Vấn đề đặt ra với Thái Dương là địa phương chưa tìm được cán bộ có thể đảm nhận bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở 2 thôn mới thành lập.
Ông Phạm Xuân Hội, Chủ tịch UBND xã Thái Dương mong muốn cấp trên có cơ chế cán bộ đặc thù trong việc thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đối với 2 thôn mới sau thực hiện sáp nhập. Địa phương cần thêm thời gian để ổn định tổ chức và bộ máy. Sau một thời gian, khi công việc đã đi vào nền nếp thì địa phương sẽ thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở 2 thôn mới.
Ngoài ra, sau sáp nhập, khi quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ của các thôn đã không còn phù hợp, việc xây dựng nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng rất cần thiết. Xã Thái Dương mong muốn cấp trên hỗ trợ xã giải quyết những khó khăn này.
HÀ NGA