Tỉnh ta có 13,6% dân số là NCT, tốc độ già hóa dân số nhanh. Trong khi đó mạng lưới y tế vừa mỏng, vừa thiếu trang thiết bị, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nhiều người già thường xuyên phải tìm đến các cơ sở y tế
Tuyến tỉnh quá tải
Hải Dương hiện mới có 2 bệnh viện có chuyên khoa lão khoa là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Khoa Lão khoa của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được thành lập từ năm2010. 60% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện là người cao tuổi (NCT). Có ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 120 NCT, phải bố trí thêm 2-3 bàn khám. Bên cạnh 35giường sẵn có, khoa phải kê thêm 6giường để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh. Có những lúc bệnh nhân lên tới hơn 50 người, đành phải bố trí cho nằm ghép. Năm 2017, số bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Lão khoa vượt hơn 21% so với kế hoạch được giao. Theo bác sĩ Trưởng khoa Hà Thị Huệ, cơ sở vật chất của khoa hiện chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh. Khu nhà điều trị chật hẹp, một số máy móc, trang thiết bị như máy xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa được trang bị đầy đủ.
Quá tải cũng là tình trạng của Khoa Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Số giường thực kê của khoa là 46, trong khi số bệnh nhân luôn dao động từ 45-60 nên nhiều bệnh nhân phải nằm ghép. Bà Lê Thị Hải (67 tuổi, ở phường Phả Lại, Chí Linh) cho biết: "Tôi mắc bệnh đau dạ dày, huyết áp, thoái hóa khớp nên một năm phải tới đây điều trị vài lần. Lần nào đến khoa cũng rất đông bệnh nhân. Đợt này tôi phải nằm ghép vài ngày. Vốn dĩ sức khỏe yếu lại phải nằm điều trị ở nơi đông đúc, chật chội nên tôi cảm thấy rất mệt mỏi".
Tuyến cơ sở thiếu trang thiết bị
Hiện nay, các trang thiết bị ở trạm y tế xã, phường, thị trấn còn ít, thường chỉ có máy đo huyết áp và ống nghe. Chủng loại cơ số thuốc không đầy đủ nên chưa nâng cao được hiệu quả chăm sóc sức khỏe. Đây là nguyên nhân khiến nhiều NCT không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến cơ sở mà thường phải lên tuyến trên trong khi họ chỉ mắc những bệnh thông thường. Từ lâu mỗi khi đi khám, chữa bệnh dù mức độ nặng hay nhẹ ông Phùng Minh B. (78 tuổi, ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) đều đến thẳng bệnh viện tuyến tỉnh chứ không phải là trạm y tế phường hay bệnh viện thành phố. Theo ông B., nguyên nhân khiến ông bỏ qua tuyến y tế cơ sở là trang thiết bị y tế ít ỏi, trình độ chuyên môn của y, bác sĩ ở đó còn nhiều hạn chế.
Những trường hợp như ông B. là một trong những nguyên nhân làm cho các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, trong khi trạm y tế cơ sở lại ít người đến khám, chữa bệnh, rất lãng phí. Không có kinh phí nên tuyến y tế cơ sở không thể thường xuyên tổ chức những hoạt động tư vấn, truyền thông, khám sức khỏe cho NCT. Ngoài ra, việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT tại cơ sở vẫn còn rườm rà. Bác sĩ Nguyễn Thị Chi Phương, Trưởng trạm Y tế xã Gia Tân (Gia Lộc) cho biết, mỗi năm cán bộ, nhân viên của trạm lại phải nhập đầy đủ thông tin để lập hồ sơ mới theo dõi sức khỏe cho NCT. Nếu những thông tin về người bệnh được cập nhật tổng hợp trong một cuốn sổ hoặc bằng một phần mềm trên máy tính thì việc theo dõi sẽ đỡ vất vả hơn. Tình trạng sức khỏe, bệnh tật của NCT sẽ được theo dõi xuyên suốt trong một quá trình, từ đó y, bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn, chăm sóc hợp lý hơn. Không ít NCT đến bệnh viện khám mới biết mình đã mắc bệnh ở giai đoạn nặng. Đó là do họ ít có cơ hội được tiếp cận với những thông tin tư vấn chăm sóc sức khỏe, phòng tránh những bệnh phổ biến như tiểu đường, huyết áp, tim mạch... Theo các y, bác sĩ, nếu NCT được tư vấn, truyền thông về các biện pháp chăm sóc sức khỏe, nhất là cách phòng tránh những bệnh thường gặp theo lứa tuổi thì hoàn toàn có thể giảm bớt mức độ nguy hiểm của các bệnh này đối với sức khỏe.
NCT thường mắc nhiều bệnh cùng lúc nên mỗi đợt điều trị thường kéo dài khoảng 2 tuần. Trong khi đó, một số loại thuốc mới để điều trị lại không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán. Đa số NCT chỉ có trợ cấp, lương hưu hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào người thân nên việc chi trả tiền thuốc là gánh nặng tương đối lớn. NCT là nhóm đối tượng phải sử dụng nhiều dịch vụ y tế nhất, nhưng hết năm 2017 mới chỉ có 183.839 NCT trong tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 72,7%. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh (đã đạt 87,3% vào cuối năm2017). Cũng mới chỉ có 108.961 NCT có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, chiếm khoảng 44,2%. Năm 2017, chỉ có khoảng 40,1% số NCT được khám sức khỏe ban đầu.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Các loại bệnh tật liên tục thay đổi, các yếu tố về môi trường, biến đổi khí hậu, lối sống… tác động xấu đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là NCT, trong khi khả năng đáp ứng của ngành y tế còn hạn chế. Lực lượng cán bộ y tế mỏng, cơ cấu và phân bổ cán bộ y tế mất cân đối, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT. Thực trạng trên đang là thách thức đối với ngành y tế.
HUYỀN TRANG