Thách thức lớn khi tự chủ ngân sách

10/12/2016 07:15

Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương phải tự cân đối ngân sách. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh thu ngân sách chưa bảo đảm cho các nhiệm vụ chi hằng năm.



Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước


Thu, chi đều tăng

Từ năm 2011 đến nay, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hải Dương tăng tương đối nhanh. Năm 2011, tổng thu NSNN trên địa bàn mới đạt 6.189 tỷ đồng, gồm các khoản thu nội địa (5.282 tỷ đồng), thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu (907 tỷ đồng), thu kết dư ngân sách năm trước, thu chuyển nguồn, thu vay để đầu tư phát triển... Có thể thấy, thực thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chỉ đạt khoảng 6.200 tỷ đồng từ các khoản thu nội địa và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Đến năm 2016, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt khoảng 10.750 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt khoảng 8.650 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. So với năm 2011, thu NSNN của Hải Dương đã tăng khoảng 4.561 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng khoảng 760 tỷ đồng, tốc độ tăng đạt 13%/năm. Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, các khoản thu có tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách như: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, doanh nghiệp nhà nước trung ương, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân... vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá, trở thành động lực cho thu NSNN trên địa bàn.

Trong khi đó, nếu như năm 2011 tổng chi ngân sách mới đạt gần 10.930 tỷ đồng thì đến năm 2016, tổng chi ngân sách đã tăng lên 14.484 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi năm chi ngân sách tăng khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, hằng năm ngân sách trung ương vẫn phải hỗ trợ ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng để bảo đảm các hoạt động chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trong chi ngân sách, tính chung giai đoạn 2011-2016, thu, chi ngân sách đạt mức khá, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu nội địa đạt trung bình 5.800 tỷ đồng/năm.

Nhiều khó khăn



Tỉnh cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
để tạo nguồn thu cho ngân sách. Ảnh: Thành Long


Năm 2017 là năm đầu tiên Hải Dương trở thành tỉnh phải tự cân đối ngân sách, đồng thời phải điều tiết 2% các khoản thu phân chia các cấp ngân sách theo Luật NSNN năm 2015 về ngân sách trung ương. Tự chủ ngân sách sẽ tạo nên sự chủ động trong công tác quản lý tài chính, tạo cơ hội khai thác tối đa nguồn lực để đột phá mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, tự chủ ngân sách cũng dự báo tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh nhiều khoản thu đã chạm ngưỡng.

Ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, năm 2017, Hải Dương được Trung ương giao thu 12.585 tỷ đồng, gồm 10.485 tỷ đồng thu nội địa, tăng 23,3% và 2.100 tỷ đồng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, bằng số thực hiện năm 2016. Qua theo dõi các yếu tố tăng, giảm thu ngân sách do tác động của những cơ chế, chính sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế tại địa phương qua các năm và kết quả ước thực hiện cả năm 2016, có thể thấy khả năng thực hiện dự toán thu NSNN Hải Dương năm 2017 còn nhiều khó khăn. Dự báo khu vực các doanh nghiệp trung ương, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh khó hoàn thành dự toán. Khả năng hụt thu của 3 khu vực này khoảng 785 tỷ đồng. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng dự toán,  Cục Thuế tỉnh xác định phải chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên và thất thu từ gian lận thương mại, gian lận kê khai thuế. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp... Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo quy định, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển nhằm nuôi dưỡng và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Trong chi ngân sách, tỉnh cần thực hiện cơ chế điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm. Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với định hướng phát triển kinh tế, xã hội năm 2017, bảo đảm ổn định, bền vững. Bà Trần Thị Hải Hà, Trưởng Phòng Kế hoạch ngân sách (Sở Tài chính) cho rằng, UBND tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt những biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm các dự án triển khai trong năm 2017 không phát sinh thêm khối lượng nợ xây dựng cơ bản. Hạn chế tối đa các dự án khởi công mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bố trí vốn khởi công mới cho công trình dự án thực sự cấp bách khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp. Tập trung nguồn lực các cấp ngân sách để thanh toán, không gây nợ đọng do việc sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Để tránh mất cân đối ngân sách, HĐND tỉnh cần giao cho UBND tỉnh cơ chế chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách trên cơ sở giám sát chặt chẽ số thu thực tế để kịp thời điều hành chi ngân sách cho phù hợp. Cần chủ động xây dựng "kịch bản" chi ngân sách trong trường hợp hụt thu lớn hơn mức dự kiến 785 tỷ đồng, thu đạt dự toán giao hoặc hụt thu thấp hơn 785 tỷ đồng. Trong tình huống thu ngân sách không đạt dự toán, cơ quan tài chính phải tham mưu giúp UBND các cấp chủ động phương án điều hành ngân sách, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ chế độ chính sách con người, chế độ an sinh xã hội, kịp thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để có hướng xử lý.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức lớn khi tự chủ ngân sách