Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều bạn trẻ đã phải rời xa gia đình để sang xứ người lập nghiệp, phải đón Tết xa nhà.
Các du học sinh tại Nhật Bản tập trung gói bánh chưng và nấu ăn trong ngày Tết
Tại đất nước mặt trời mọc, có hàng nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập và làm việc. Trong số đó, có người lần đầu tiên phải xa nhà, có những người đã nhiều năm không được về Việt Nam ăn Tết.
Tết này là Tết thứ 4 em Lê Văn Hà (sinh năm 1996 ở xã Thanh Bính, Thanh Hà), du học sinh thuộc Trường Đại học Du lịch xa nhà, nên nỗi nhớ gia đình luôn thường trực.
Do Nhật Bản không ăn Tết âm lịch như Việt Nam, nên đối với những du học sinh như Hà, việc xin nghỉ để ăn Tết là vô cùng khó khăn. Hà bảo: Nếu Tết vào thứ 7, chủ nhật thì bọn em mới được nghỉ, vào các ngày bình thường thì vẫn phải đi học. Đối với công việc làm thêm, bọn em phải xin nghỉ trước đó từ 1 đến 2 tháng.
Em Vũ Thị Ngọc Yến, quê ở tỉnh Gia Lai, cũng đang là du học sinh tại TP Osaka chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 2 em không được ăn Tết ở nhà. Năm đầu tiên đón Tết tại đây, những bạn xa nhà lần đầu như em sẽ được nhà trường tổ chức vui Tết tập trung tại trường. Còn vào những năm tiếp theo thì bọn em phải tự tổ chức”.
Bữa cơm ngày Tết của các du học sinh có đầy đủ món ăn Việt
Yến bảo, ngày bình thường xa nhà đã cảm thấy nhớ da diết rồi, ngày Tết nỗi nhớ ấy lại trào dâng gấp nhiều lần, chỉ muốn về nhà ngay để đón Tết cùng gia đình.
Cùng tâm trạng như Yến, em Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở xã Thanh Xá (Thanh Hà), du học sinh tại Tokyo cho biết: Em nghĩ rằng mỗi độ Tết đến, xuân về không chỉ với riêng bản thân em mà tất cả những người con xa xứ nói chung, đều có chung một tâm trạng là nhớ gia đình, quê hương. Nhiều khi cảm thấy bâng khuâng và có chút gì đó lạc lõng. Lúc đó bọn em chỉ ước có thể được về đoàn tụ ngay với gia đình.
Theo em Lê Văn Hà, ngày 30 Tết các du học sinh sẽ tập trung tại một nhà bạn nào đó, mặc quần áo đẹp rồi cả nhóm cùng nhau đi chơi. Sau đó sẽ phân công một nhóm đến các siêu thị của người Việt mua đồ về nấu ăn, nhóm còn lại ở nhà dọn dẹp, chuẩn bị bát đĩa.
Tôi hỏi, vậy trong dịp Tết các em có nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam không? Hà bảo, bọn em năm nào cũng nấu. Chúng em cùng chuẩn bị nguyên liệu để làm nem rán, có năm thì tự gói bánh chưng, có năm thì đặt mua trên mạng từ những người Việt đã định cư bên Nhật lâu năm. Rồi sau đó cùng bày mâm ngũ quả để đến giao thừa cùng liên hoan.
Họ quây quần bên nhau trong đêm giao thừa
“Ở những đất nước có nhiều người Việt sinh sống như Nhật Bản thì không khó để có thể mua được những món ăn truyền thống của Việt Nam tại các chợ Việt. Thế nhưng cái không khí rộn ràng, sự đầm ấm, sum họp hay sắc thắm của đào, mai mỗi dịp Tết đến thì không thể nào mua được. Bởi vậy, sự nhớ nhà là điều không tránh khỏi”, Hà nói
Do múi giờ của Việt Nam và Nhật Bản cách nhau khoảng 2 tiếng, nên sau khi xem xong chương trình Táo quân, khoảng 2 giờ sáng các em mới cùng nhau đón giao thừa. Thời điểm này, các em sẽ gọi về cho gia đình để chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, họ hàng. Vào sáng mùng 1, các em lại cùng nhau đi chùa, cầu may mắn, bình an và sức khỏe cho bố mẹ, người thân ở nhà. Kết thúc 3 ngày nghỉ Tết, đến ngày mùng 3 các em lại bắt đầu đi làm và học tập bình thường.
ĐỨC ANH