Đó là yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong bài phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 31.12.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc hôm nay không để ngày mai - Ảnh: CP
Sau 1,5 ngày diễn ra hội nghị với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bên cạnh các mô hình tốt, cách làm hay được nêu cũng đã có nhiều kiến nghị, Thủ tướng đề nghị ngay trong ngày 1.1.2020, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thiện nghị quyết để chiều cùng ngày Thủ tướng có thể ký được Nghị quyết 01 và 02, các địa phương có chương trình hành động ngay, không để "nước đến chân mới nhảy và việc hôm nay để ngày mai".
Chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, không nói chung chung
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu các cấp, ngành cần năng động, chủ động hơn trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng "biết rồi, để đó, nói mãi". Đặc biệt khi vẫn còn nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, HTX còn khó khăn, liên quan đến mặt bằng, nguồn lực, an ninh trật tự.
"Phải khắc phục yếu kém chứ không nói chung chung mãi. Phải thấy những bất cập tồn tại cần giải quyết là chậm giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ, ô nhiễm môi trường không khí, rác thải hay các vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy học đường, văn hóa ứng xử, không để tình trạng lại như cũ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề đạo đức xã hội trong kinh tế thị trường, không chỉ thông điệp "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" mà còn yêu cầu thêm là "không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế".
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Dương
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên mở đầu ngày 30.12, Thủ tướng nhấn mạnh đến 4 bài học về kế thừa, phát huy các thành tựu đổi mới; lắng nghe ý kiến của bậc lão thành, chuyên gia; đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tư nhân; đổi mới khoa học công nghệ, giải phóng mọi nguồn lực phát triển.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần văn hóa của người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước tự lực hùng cường.
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhạy cảm, Thủ tướng yêu cầu toàn dân một ý chí, khát vọng, phát huy vai trò các bộ, ngành và địa phương để sớm có kế hoạch hành động cụ thể, chủ động ứng phó, giải quyết tốt nguồn nhân lực, lao động, năng lượng, phục vụ 100 triệu dân với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm tốt.
Năm 2021 sẽ cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức
Gắn với yêu cầu này là việc thực hiện tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi và cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức bằng việc tập trung nâng lương. Theo đó, hoàn thiện thể chế để năm 2021 cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức. Tập trung huy động sức mạnh nhân dân, tổ chức tốt đại hội.
Trước mắt, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp ngành, địa phương tập trung lo Tết cho dân, không để thiếu hàng, tăng giá, nhất là thịt lợn, không để đẩy giá lên, tránh ảnh hưởng lạm phát. Lo bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đồng bào chính sách, dân tộc, vùng sâu vùng xa, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân vui Tết. Chủ động hơn trước tình trạng thiếu nước nông nghiệp.
"Thực hiện tinh thần nêu gương, không tranh thủ dịp Tết này cấp dưới biếu quà cấp trên, các ngành, các cấp không phải ra Hà Nội mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới nhà các lãnh đạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Tuổi trẻ