Tết bên chồng

24/01/2017 09:00

Tôi về thị tứ nhỏ này làm dâu vào giáp Tết năm ngoái. Thời gian ngắn ngủi nhưng đủ cho tôi những hình dung, cảm nhận và đặc biệt là không khí đón Tết của nơi này.



Có lẽ bởi ấn tượng ban đầu luôn sâu sắc, nhất là với người mới chân ướt chân ráo về làm dâu như tôi. Ấn tượng ấy sâu sắc đến nỗi ngay cả khi những ngày Tết qua đi, ra năm vợ chồng tôi trở lại thành phố làm việc, mỗi khi nghĩ về thị tứ này tôi lại nhớ nôn nao những ngày giáp Tết.

Tôi và anh làm đám cưới vào ngày 24 tháng chạp và được cơ quan cho nghỉ phép đến Tết luôn nên chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị cho một cái Tết với nhiều điều mới mẻ. Mẹ chồng tôi chạy chợ buôn bán cũng như hầu hết những người phụ nữ ở vùng này, vì vậy dịp Tết là dịp bận bịu nhất để kiếm lời. Bà không có thời gian để chăm lo việc nhà. Bố chồng tôi là công nhân xưởng mộc, tính ông trầm lắng, sâu sắc. Năm đầu về làm dâu tôi đã được mẹ giao phó cho việc chuẩn bị Tết nhất. Tôi vốn không phải con nhà khá giả gì, cũng đã quen lam lũ, làm lụng nhưng để thu vén chu toàn công việc gia đình, nhất lại là gia đình nhà chồng thì vẫn còn bao nhiêu bỡ ngỡ. Tôi thực sự lo lắng khi nghĩ đến vẻ mặt nghiêm nghị lúc giao việc của mẹ chồng.

Ngày 28 Tết, dân trong thị tứ đổ xô ra chợ mua sắm. Ở nơi mà cuộc sống đang phát triển như thế này thì Tết là dịp để người ta trưng bày, thể hiện những gì nổi bật nhất. Những ngôi nhà hai bên đường dường như đều được khoác lên mình một chiếc áo mới. Đó đây những cây đào đã thấp thoáng nụ hoa. Những ca khúc hay nhất, rộn ràng nhất về Tết được bật ở mọi nơi. Tôi và chồng cũng đi chợ nhưng đứng trước trăm nghìn thứ chúng tôi lơ ngơ chưa biết chọn gì thì bố chồng tôi xuất hiện. "Hai đứa đi chơi chợ Tết mà không rủ bố". Tôi ngập ngừng: "Mẹ bảo con đi sắm Tết nhưng con…". "Ôi dào, có gì đâu mà sắm sửa con, mấy bố con đi chơi chợ, gặp gì mua nấy".

Nói vậy nhưng tôi đã nhận ra ông đang cầm chiếc làn lớn trên tay. Và khi vào chợ ông nhanh nhẹn lựa chọn những đồ cần thiết. Vừa lựa đồ ông vừa nói, tưởng như nói cho có chuyện nhưng tôi hiểu ông đang chỉ dạy chúng tôi: "Ngày Tết cần phải mua vàng mã, hương đăng để thờ cúng tổ tiên các con ạ. Con dâu chọn xem loại hương nào thơm nhỉ?". Sự tinh tế của bố chồng làm tôi nhận ra mình thực sự may mắn khi được làm con dâu của ông. Khoảng cách giữa bố chồng nàng dâu cũng vì thế mà bớt đi rất nhiều. Qua hàng gạo ông lại thốt lên: "Nhà ta phải gói bánh chưng chứ nhỉ. Hai đứa xem gạo nào dẻo thơm thì mua đi để bố chọn ít lá dong và đậu xanh". Chồng tôi hỏi lại: "Mọi năm mẹ con đặt sẵn bánh mà bố. Mà mẹ con cũng chẳng ăn bánh chưng bao giờ?". Chần chừ giây lát rồi bố chồng tôi trầm giọng: "Chúng ta có thời gian để nấu mà con. Tết đến có nồi bánh chưng cho không khí hơn. Năm nay nhà mình lại thêm người nữa. Mẹ con sẽ để chúng ta làm thôi. Không sao đâu".

Một chút lắng xuống và vô định trong giọng ông làm tôi thoáng khó hiểu. Nói rồi ông thoăn thoắt chọn những tàu lá dong xanh mướt, những hạt đậu xanh căng tròn. Vợ chồng tôi cũng háo hức xem từng loại gạo.

Bố chồng tôi giống như một người nội trợ sành sỏi đến nỗi ngay cả chồng tôi cũng phải ngạc nhiên thán phục. Đi một vòng quanh chợ ông đã mua được bao nhiêu đồ từ vàng mã đến bánh kẹo, hoa quả, mì miến, thịt, gạo, hành, tiêu… Vợ chồng tôi chỉ biết đi theo ông mà xách đồ. Gặp người quen ông vui vẻ chào hỏi rồi giới thiệu chúng tôi: "Con trai, con dâu tôi đấy. Nay nghỉ làm rồi, tôi theo chúng đi sắm Tết". Mọi người cũng vui vẻ hỏi han chuyện công việc, Tết nhất. Ai cũng khen ông có con trai con dâu không những có tiếng học giỏi, đi công tác xa mà còn đảm đang, khéo léo việc nhà. Tôi thoáng ngại ngùng nhưng cũng vui lây khi thấy niềm hạnh phúc ngời lên trong mắt bố chồng và chồng tôi. Nhìn những giọt mồ hôi rịn ra trên trán ông trong lòng tôi có một cảm giác ấm áp vô cùng. Tôi thầm cảm ơn sự tế nhị, rộng lòng ông dành cho tôi. Gần trưa, ba bố con đã nặng tay với những túi đồ. Chợ cách nhà không xa nên chúng tôi đều đi bộ. Về ngang qua xưởng gỗ bố chồng đưa cả đồ cho vợ chồng tôi, ông bảo quên đồ trong xưởng, hai vợ chồng tôi về trước. Về đến nhà tôi đã thấy mẹ chồng đang ngồi đếm từng xấp tiền lẻ, tiền chẵn để vào trong chiếc rương nhỏ. Không ngẩng nhìn chúng tôi, tay vẫn thoăn thoắt với những đồng tiền, bà nói: "Anh chị ngồi ăn hàng hay sao mà đi chợ từ sáng đến giờ mới về. Đã sắm đủ đồ chưa?". Tôi chưa kịp nói gì thì chồng tôi lên tiếng: "Mẹ, ngày Tết biết bao là thứ phải sắm sửa, chúng con mang đồ nặng mướt mồ hôi mà còn lo thiếu đồ đây này". Tôi hỏi chị ấy chứ tôi có hỏi anh đâu?". Mẹ chồng tay vẫn không ngừng đếm, ngước lên nhìn thẳng vào tôi rồi mắt bà như sững lại ở cuộn lá dong tôi đang ôm. "Cái gì vậy? Chị mua thứ ấy làm gì vậy?". "Bố con nói nhà mình sẽ gói bánh chưng mẹ à". "À, bây giờ thì bố con các người vào hùa với nhau để chống lại tôi à?".

Tôi không hiểu sao mẹ chồng lại gay gắt đến thế chỉ bởi chuyện gói bánh chưng. Chồng tôi nhẹ nhàng: "Mẹ, chúng ta có thời gian, có điều kiện thì gói cho có không khí Tết cổ truyền. Từ nhỏ đến giờ con ăn bánh mà chưa được biết làm bánh, nấu bánh như thế nào".

Vừa lúc đó, bố chồng tôi chở về một xe những khúc gỗ ở xưởng mộc, tôi đoán ra ngay ông đem về để nấu bánh chưng. Mẹ chồng tôi ném về phía ông một cái nhìn khó hiểu rồi bà bưng chiếc rương đi về phòng.

***


Tối đó, trong ánh điện ấm áp, trong tiếng nhạc bài hát Happy new year từ nhà bên vọng lại và trong cái lành lạnh cuối năm mấy bố con tôi ngồi bên bếp lửa lớn và nồi bánh chưng sôi ùng ục. Những chiếc bánh chưng được bố chồng tôi khéo léo gói vuông vắn trong những tàu lá dong xanh. Vợ chồng tôi nối những chiếc lạt giang để cuốn bánh cho chặt. Niềm vui này sẽ trọn vẹn hơn nếu mẹ chồng tôi không kêu mệt và đi nằm từ chiều. Chồng tôi được nuông chiều từ nhỏ, anh chỉ việc ăn học không phải đụng chân tay vào việc gì. Gần 30 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên anh được trải nghiệm những công việc chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất. Anh không giấu niềm vui trong ánh mắt khi nhìn bếp lửa ngày cuối năm. Căn bếp mà theo anh từng nói chưa một lần anh thấy lửa thắp lên. Anh hỏi bố: "Bố, việc nấu bánh ngày Tết tuyệt vời thế này sao bao nhiêu năm qua nhà mình không làm?". Bố chồng tôi ngập ngừng, ánh mắt trở nên xa xăm. Ông nhấp một ngụm trà rồi nói:

- Ngày xưa ông bà ngoại con có nghề làm bánh chưng gia truyền. Bánh ông bà làm ngon nhất vùng thị tứ này. Bố biết đến mẹ con cũng từ những chiếc bánh ông bà ngoại làm mà bố tìm đến. Tết nào ông bà ngoại cũng được rất nhiều người trong vùng đặt làm bánh. Có nhiều nhà cũng làm bánh bán nhưng không đông khách như ông bà con. Rồi đến một cái Tết, một gia đình đặt bánh ông bà làm có người bị ngộ độc mà chết. Họ cho rằng bánh nhà ngoại bị nhiễm độc chì. Tiếng lành đồn xa nhưng tiếng dữ còn đồn xa hơn. Từ đó không ai còn đặt nhà ngoại làm bánh Tết nữa. Ở cái thị tứ nhỏ này suốt một thời gian dài người ta còn nhắc câu chuyện ấy mỗi dịp Tết đến. Ông bà con vì nhớ nghề mà mấy năm sau đó vẫn làm bánh nhưng không có ai đến mua nữa. Tết đến bánh cứ xếp dày lên những chiếc nong rồi Tết xong ông bà lại lặng lẽ đem bánh ra sông đổ. Sau đó ông bà làm lễ thưa với tổ tiên bỏ nghề. Rồi ông bà cũng buồn rầu, bệnh tật mà mất đi. Mẹ con kể từ đó không bao giờ đụng vào một chiếc bánh nào cả, dù năm nào bố cũng thuyết phục làm bánh. Bố biết mẹ con cũng rất nhớ nghề…

Giọng bố chồng tôi nghèn nghẹn, chồng tôi ngồi lặng im, nước mắt chảy ra từ lúc nào. Tôi cũng nghe sống mũi mình cay sè. Tôi đã hiểu vì sao mẹ chồng tôi lại có thái độ ấy. Vậy mà tôi đã chạnh lòng nghĩ bà khó tính. Tuy chưa được biết ông bà ngoại của chồng tôi nhưng nhìn những chiếc bánh trong nồi tôi như hình dung ra căn nhà nhỏ ở cuối thị tứ mỗi dịp Tết bày rất nhiều những nong bánh chưng xanh ở ngay trước mắt. Lời kể trầm buồn của bố chồng cho tôi cảm giác về những mùa Tết năm xưa và không khí cổ truyền xưa cũ. Giá như không có những tin đồn, giá như ông bà ngoại không phải bỏ nghề thì có lẽ bây giờ tôi đang được cùng gia đình tất bật làm bánh để bao người trong thị tứ này được đón Tết với những chiếc bánh chưng tuyệt vời. "Bố chưa bao giờ thấy ai làm bánh ngon như ông bà ngoại của con. Sau này cuộc sống phát triển, người ta làm bánh theo kiểu công nghiệp vậy. Ít ai bỏ công ra chọn từng hạt gạo, hạt đỗ, chiếc lá như ông bà con. Tiếc là…".  "Ông đừng nói nữa. Cả thị tứ này đã quên câu chuyện của gia đình làm bánh gia truyền ngày xưa. Bố mẹ tôi “sinh nghề tử nghiệp” cũng vì những chiếc bánh…". Mẹ chồng tôi đứng ở đó từ bao giờ, nói đến đó bà òa lên khóc nhìn nồi bánh đang sôi. Quá khứ như những ánh lửa bập bùng đang vòng vẽ, chạm khắc vào ký ức của bà những kỷ niệm buồn bã, thiêng liêng. "Mẹ, Tết này chúng ta sẽ có bánh chưng xanh để thắp hương tưởng nhớ ông bà". Chồng tôi nhẹ nhàng đến bên ôm lấy vai mẹ. Nhìn vẻ mặt bà dịu dần lại. Dường như nỗi đau buồn mất mát năm xưa đã được bà cố gắng cất sâu nơi đáy lòng, thay vào đó bà mang cho mình một khuôn mặt khác để không ai nhìn ra.

***


Trong không khí rộn rã, vui tươi của nhà nhà khi Tết đến, gia đình chồng tôi cùng nhau chào năm mới với mâm cỗ cúng được cả nhà cùng sửa soạn. Tôi nhìn chiếc bánh chưng xanh quen thuộc mà thiêng liêng đang được dâng lên ông bà tổ tiên, lòng không khỏi rưng rưng. Nhìn sang mẹ chồng tôi, bà đang quay đi khẽ lau những giọt nước mắt.

Bữa cơm ngày Tết ở gia đình chồng tôi đã có thêm những đĩa bánh chưng xanh để cả gia đình cùng thưởng thức và mời khách đến nhà. Vì học lỏm ông bà ngoại nên bố chồng tôi làm bánh khá là ngon. Mẹ chồng tôi lặng lẽ ăn bánh, thứ bánh mà suốt nhiều năm qua bà không hề đụng đến. Bà ăn như đang thực hiện một nghi lễ. Bố chồng tôi nhìn mẹ không giấu niềm vui. Cuối cùng ông cũng đã cởi bỏ được gánh nặng trong lòng bà suốt nhiều năm. Tôi nghĩ từ những Tết sau có lẽ bố mẹ chồng tôi sẽ cùng nhau làm những chiếc bánh chưng mà thời tuổi trẻ họ đã từng làm như một niềm say mê, như một cách để nối lại sợi dây vô hình với tiên tổ.

***

Mới đó mà một năm đã trôi qua. Khi tôi đang ngồi viết lại những dòng này thì bố mẹ chồng tôi đang xếp những chiếc bánh chưng xanh tuyệt đẹp vào những túi quà để vợ chồng tôi đi biếu họ hàng vào dịp năm mới. Thị tứ này dịp Tết đến vẫn vậy, chỉ lòng tôi là đang dâng lên những cảm xúc mới mẻ như một mùa xuân mới đang về.

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết bên chồng