Bác có biết thành phố mình giờ có bao nhiêu con phố? - Chịu. Ngày xưa còn nhỏ, bây giờ lớn lên gấp hàng chục lần, đường như bàn cờ, làm sao mà nhớ được. Còn chú?
- Em thì lại càng chịu. Nhất là ở những phường mới, khu đô thị mới. Cho nên nhiều vị khách ở xa đến hỏi phố này, phố kia mà mình cứ ngây ra, thật xấu hổ vì mình sống ngay trên đất nhà mình mà chẳng hơn gì người xa lạ. Cứ mong có một tấm bản đồ ở các cửa ô thành phố mà mãi không thấy.
- Kể cũng buồn thật. Tỉnh mình ở trong khu vực tam giác phát triển, đang thu hút khách tham quan du lịch mà thiếu cả cái đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện tỉnh đến những tấm bản đồ chỉ dẫn đường.
- Thế bác có biết phố mang tên nhà thơ nổi tiếng quê ta có cái bài "Tống biệt hành" ở đâu không?
- À, mình có nhớ câu "Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng" là của nhà thơ Thâm Tâm phải không?
- Đúng rồi. Nhưng làm gì có phố Thâm Tâm?
- Đó là phố Nguyễn Tuấn Trình, tên khai sinh của nhà thơ. Phố này ở tận bên kia cầu Hải Tân.
- Ồ, thế thì em vẫn đi qua phố ấy, nhưng chỉ nhớ Thâm Tâm với bài thơ, chứ tên thật thì em mù tịt. Thế còn phố Chu Văn An ở đâu? Hôm vừa rồi đi hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, em có đến thắp hương đền thờ của ông ở chân núi Phượng Hoàng, thấy khách tứ phương đông lắm.
- Thì ông là "người thầy của muôn đời" mà lại. Nhưng con phố mang tên ông ở thành phố ta thì lại "khiêm tốn" quá, chỉ là một đường vừa hẹp, vừa ngắn nối từ phố Chợ Con đến phố Canh Nông.
- Tiếc nhỉ? Một danh nhân văn hóa lớn như thế mà...
- Thôi, thôi… chuyện đặt tên phố ở ta thì còn nhiều việc phải bàn trước sự phát triển mở mang của đô thị và trình độ dân trí. Còn dăm ba năm nữa thành phố phấn đấu lên loại I thì thế nào chả có việc đặt tên đường phố mới, phải không?
NGUYỄN THẾ