Tây Nguyên - những lần đến

21/06/2018 11:30

Từ những tư liệu ghi được trong suốt cuộc hành trình, ông đã viết một loạt bài góp phần vào việc vận động nhân dân trong tỉnh hăng hái lên đường xây dựng vùng kinh tế mới.


Nhà báo Hà Cừ (ngoài cùng bên phải) trong lần trở lại thăm Chư Sê

Cách đây 36 năm, nhà báo, nhà thơ Hà Cừ - nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương khi ấy là phóng viên nông nghiệp đã có chuyến tác nghiệp đáng nhớ tại Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Bây giờ, sau gần 4 thập kỷ, ông vẫn kể cho tôi nghe một cách rành rọt về chuyến công tác đó. Một ngày tháng 3.1982, khi đang là phóng viên Tổ Nông nghiệp, ông được Ban Biên tập cử đi theo đoàn công tác của tỉnh vào tìm đất cho dân trong các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. “Sau chiến tranh, nhiều vùng trong các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam hoang sơ, thưa vắng người. Trong khi đó, ngoài Bắc dân cư đông đúc, đời sống kinh tế rất khó khăn. Vì vậy, Đảng chủ trương vận động nhân dân đi vùng kinh tế mới. Tôi theo đoàn công tác của tỉnh vào trong đó để tìm hiểu thông tin về những vùng đất mới, viết bài động viên nhân dân ta ngoài này vào đó sinh cơ lập nghiệp”, nhà báo Hà Cừ chia sẻ.

Đây cũng là lần đầu ông được cử đi công tác xa. Trong thành phần đoàn công tác của tỉnh đi tìm đất cho dân, ngoài Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ty Lao động (nay là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), các bộ phận của Phòng Di dân làm kinh tế mới (trực thuộc Ty Lao động), còn có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện trong tỉnh đi cùng. Chuyến đi này còn có phóng viên Xuân Quý của Đài Truyền thanh tỉnh (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương). Đoàn công tác đi chung trên một chiếc xe ca, sau xe chứa cả những thùng phuy to đựng xăng để sử dụng dọc đường. Chuyến đi khá gian khổ bởi lúc đó đang vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, xe chật, người đông, đường sá gập ghềnh...

Gia Lai - Kon Tum (bấy giờ vẫn hợp nhất) là tỉnh đầu tiên đoàn công tác đặt chân đến. Trong những ngày ở lại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum dẫn đoàn đi thăm các nơi có thể tiếp nhận được người dân Hải Dương vào làm kinh tế. Ngày đó, Gia Lai - Kon Tum còn hoang vắng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư, nhà cửa thưa thớt, đời sống người dân lạc hậu. Đi tới đâu cũng chỉ thấy đất đỏ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Khu vực Kon Tum địa hình hiểm trở, khó khăn. Nhưng khu vực Gia Lai thì địa hình thấp, đất đai màu mỡ hơn, nhất là các huyện như Chư Sê, Chư Pả, Đắk Đoa… đều có tiềm năng lớn phát triển kinh tế. Ông cẩn thận ghi lại tất cả thông tin thu thập được vào cuốn sổ tay của mình.

Rời Tây Nguyên, đoàn công tác của tỉnh di chuyển vào đồng bằng sông Cửu Long với điểm đến là các tỉnh nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười. Hôm ở tỉnh Long An, ông Cừ gặp một nhóm các hộ dân người Hải Hưng mới vào các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng lập nghiệp được 1-2 năm. Ông thấy trong này đất đai chua phèn nhưng dân quê mình chịu khó thau chua, rửa mặn, đắp luống trồng mì... nên đã có bát ăn bát để. Buổi tối hôm đó, nghe một anh chủ nhà cung cấp thông tin, ông ngẫu hứng làm một bài thơ. Bây giờ dù không nhớ được đầy đủ bài thơ đó nhưng ông vẫn đọc cho tôi nghe một đoạn thế này: “… Anh nói còn mì, còn rau/Còn nuôi heo và thả cá/Tuy vẫn nhiều vất vả/Nhưng ấm no giờ đã chứa chật nhà/Chỉ mong người ở quê xa/Hãy vào thêm/Vào thêm cho thành hợp tác...”. Bài thơ này sau đó được đăng trên báo Hải Hưng để cổ vũ tinh thần đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Từ những tư liệu ghi được trong suốt cuộc hành trình, ông đã viết một loạt bài về những vùng đất đã đến, góp phần vào việc vận động nhân dân trong tỉnh hăng hái lên đường xây dựng vùng kinh tế mới. Đến những năm 90 của thế kỷ trước thì việc di dân trở thành một phong trào lớn.

Thấm thoắt đã gần 40 năm kể từ ngày nhà báo Hà Cừ cùng đoàn công tác của tỉnh đi vào các tỉnh miền trong để tìm đất cho dân. Không có số liệu thống kê cụ thể nào nhưng có lẽ đến bây giờ cũng phải có hàng chục nghìn người dân quê Hải Dương đang sinh sống, lập nghiệp tại các vùng đất đó. Thật tình cờ khi đầu tháng 6 vừa qua, nhân một chuyến cùng gia đình vào thăm người thân ở Tây Nguyên, ông đã có dịp trở lại một trong những nơi mà mình từng đặt chân đến, đó là huyện Chư Sê (Gia Lai). 

Kể về Chư Sê bây giờ, ông thật vui. Ông bảo rất bất ngờ với sự đổi thay ở nơi đây. Cảnh tượng thị trấn Chư Sê hoang sơ với những căn nhà cấp 4 lèo tèo ngày nào giờ đã được thay bằng đường sá rộng thênh thang, nhà cao tầng mọc lên san sát, dân cư đông đúc, đời sống phát triển. Chư Sê bây giờ là một trung tâm lớn, tương lai là thị xã của Gia Lai. Những vùng ven cách thị trấn Chư Sê hơn chục cây số, đời sống kinh tế người dân đều khấm khá. Chư Sê phát triển năng động như hôm nay có sự đóng góp của nhiều thế hệ người dân Hải Dương đã vào đây sinh cơ, lập nghiệp. Người dân tỉnh ta ở trong này giờ rất đông đúc, có nhà đã bước sang thế hệ thứ 2, thứ 3. Riêng người gốc làng An Thổ, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), quê ông cũng có tới cả trăm gia đình. Đi thăm cơ ngơi của người thân trong này, ông rất vui khi nhà nào cũng khá giả.

Nghe câu chuyện của nhà báo Hà Cừ, tôi thầm cảm phục những thế hệ nhà báo đi trước, dù trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những bài viết trên tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà luôn có sức lan tỏa bởi có những người cầm bút tâm huyết như thế.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên - những lần đến