Ngày 28-10, Trung Quốc đưa ra những tuyên bố hùng hổ sau vụ tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Lassen áp sát đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Bắc Kinh xây trên Biển Đông.
Tàu khu trục USS Lassen trong một lần tập trận với trực thăng trên biển |
Theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mô tả tàu khu trục USS Lassen khi tiến vào vùng 12 hải lý quanh bãi cạn Subi đã bị tàu khu trục tên lửa Lan Châu và tàu khu trục tuần tra Đài Châu “bám sát và cảnh báo”.
Tuy nhiên Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết chỉ có một tàu Trung Quốc bám đuôi USS Lassen ở khoảng cách an toàn và không có bất cứ vấn đề nào xảy ra.
Hai quan chức khác ở Washington kể khi tàu USS Lassen áp sát bãi Subi, tàu Trung Quốc có liên lạc qua radio. Tuy nhiên tàu Trung Quốc không hề “bám sát” tàu USS Lassen như mô tả của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ khẳng định những cuộc tuần tra trên Biển Đông tương tự sẽ diễn ra thường xuyên trong thời gian tới.
Bắc Kinh lại cảnh báoHôm qua chính quyền và truyền thông Trung Quốc tiếp tục phản ứng sôi sục. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa: “Nếu các bên liên quan muốn leo thang căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc sẽ buộc phải tăng cường sức mạnh. Mỹ đừng cố tỏ ra thông minh mà biến thành kẻ ngốc”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cảnh báo “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước”.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Quốc “hành động để cho Mỹ thấy rằng Trung Quốc không sợ chiến tranh với Mỹ”.
“Đầu tiên chúng ta cần bám sát các tàu Mỹ. Nếu chúng không chỉ đi ngang mà có hành động, chúng ta phải cản trở bằng công nghệ điện tử, giương rađa nhắm bắn và triển khai máy bay bay trên đầu tàu Mỹ” - tờ báo nổi tiếng với tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan “tư vấn”.
Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng trước mắt Trung Quốc chỉ “võ miệng” để vớt vát lại thể diện, bởi trước đây Bắc Kinh từng hùng hổ đe dọa “đánh phủ đầu các thế lực nước ngoài xâm phạm lãnh hải”, nhưng tàu USS Lassen không hề đối mặt với bất kỳ sự cản trở nào.
Báo Guardian dẫn lời chuyên gia Ashley Townshend thuộc ĐH Sydney (Úc) nhận định Trung Quốc phản ứng một cách có tính toán vì không hưởng bất cứ lợi ích nào nếu gây xung đột với Mỹ.
VOA dẫn lời giáo sư luật John Oliver thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) đánh giá Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố hiếu chiến chủ yếu nhằm gây sức ép và dọa dẫm các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhật cam kết vào cuộc
Dư luận Mỹ và quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ động thái của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Theo VOA, từ Washington, thượng nghị sĩ John McCain cho rằng lẽ ra hải quân Mỹ phải thực hiện các cuộc tuần tra như vậy từ lâu.
“Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương, do đó Mỹ cần triển khai tàu và máy bay đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông” - ông McCain nhấn mạnh và yêu cầu hải quân Mỹ lập tức triển khai thêm tàu chiến và máy bay tới tuần tra sát các đảo nhân tạo trái phép trong thời gian tới.
Đang ở thăm Kazakhstan, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đánh giá Mỹ đã hành động theo đúng luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh các hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế.
“Để bảo vệ vùng biển tự do, mở và hòa bình, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm đồng minh Mỹ” - ông Abe cam kết.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ cho rằng khối các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục tăng cường sức ép ngoại giao và quân sự lên Trung Quốc.
Bà giải thích: “Sau cuộc tuần tra của tàu USS Lassen, tôi lo ngại nguy cơ Trung Quốc sẽ viện cớ “Mỹ đe dọa” để tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép”.
Theo bà Glaser, đến nay mới chỉ có các nước đồng minh thân cận của Mỹ là Úc, Nhật và Philippines lên tiếng ủng hộ chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
“Các nước Đông Nam Á khác cũng cần lên tiếng. Chỉ có sự đồng lòng mới có thể thuyết phục Trung Quốc hiểu rõ rằng cái giá mà những hành động của họ gây ra phải trả sẽ lớn hơn lợi ích họ thu về.
Các hội nghị APEC, ASEAN và Đông Á trong tháng 11 tại Philippines và Malaysia là cơ hội tốt để lên tiếng đối với Trung Quốc. Vấn đề là liệu ASEAN có tìm được ý chí và sự đồng thuận để chỉ trích những hành vi đơn phương và nguy hiểm của Trung Quốc hay không?” - bà Glaser nhận định.
* Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an): Cần ngăn chặn Trung Quốc gây hấn Việc tàu USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh bãi Subi không có gì là khiêu khích cả. Nhưng cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa bảy đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến nay Trung Quốc đã xây đường băng cho máy bay ở Gạc Ma, Chữ Thập và Subi. Đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dừng lại. Thậm chí họ có thể sẽ đẩy nhanh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Dù vậy, cuộc tuần tra của hải quân Mỹ vẫn là rất cần thiết. Bởi đó là tín hiệu cho thấy rằng vẫn có lực lượng quốc tế có khả năng răn đe Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Hải đăng Trung Quốc ở Hoàng Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam Ngày 28-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Việc cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” hoàn thành xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực”. (Q.TRUNG) |
Theo Tuổi trẻ