Tất bật trồng hoa đón Tết

07/12/2014 03:54

Những ngày này, người trồng hoa tất bật chăm sóc để có những vườn hoa khoe sắc đúng mùa xuân...



Nông dân thôn Khuê Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương) thắp điện để điều chỉnh thời điểm nở hoa

Với những người trồng hoa, dịp Tết là thời điểm làm ăn lớn nhất trong năm. Vì thế, để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, những ngày này người trồng hoa cần mẫn chăm sóc để những vườn hoa khoe sắc đúng mùa xuân.

Ngày đêm trên ruộng

"Không cho hoa ngủ" là câu nói vui của bác Phạm Thị Viên ở thôn Khuê Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Bởi lẽ những ngày này về đây, nhất là vào buổi tối, những mảnh vườn, thửa ruộng ở Khuê Liễu đều lung linh ánh điện thắp sáng cho những vườn hoa. Bác Viên cho biết: Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên thời điểm này người trồng hoa đang phải dồn sức chăm sóc. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của người trồng hoa là phải kiểm tra cây hoa phát triển nhanh hay chậm để điều chỉnh số giờ thắp sáng cho phù hợp. Trước đây, chưa có kinh nghiệm thắp điện để điều chỉnh thời điểm hoa nở, người trồng hoa như "đánh bạc với trời". Năm nào thời tiết thuận lợi gần với dự tính thì hoa nở đúng dịp, còn không thì năm đó thất thu. Bây giờ khác nhiều, nông dân Khuê Liễu đã biết sử dụng đèn điện để điều chỉnh thời điểm ra hoa theo ý muốn. Vì thế, những tháng này số tiền điện của nhiều hộ dân trong thôn tăng đột biến.

Cả xã Tân Hưng có hơn 200 hộ trồng hoa phục vụ Tết. Ngoài trồng đào, người dân ở đây còn trồng thêm nhiều loại hoa từ cúc vàng, cúc trắng, cúc tím cho đến cúc mâm xôi, hoa hồng, thược dược, đồng tiền... Nhiều gia đình còn đầu tư hàng chục triệu đồng mua giống trồng hoa dơn, ly và hồng Đà Lạt...

Ở huyện Gia Lộc, vườn hoa lớn nhất là của gia đình chị Nguyễn Thị Đềm ở thôn Đĩnh Đào, xã Đoàn Thượng. Chị Đềm đang phải thuê 15 nhân công làm việc cả buổi tối. Năm 1995 chị bắt đầu trồng hoa. Tuy nhiên, diện tích lúc đó không lớn bằng bây giờ. Hiện tại chị đấu thầu 5 mẫu ruộng của xã để trồng hoa. Vườn hoa được chia thành 4 khu riêng biệt gồm: khu trồng hoa cúc, dơn, hoa hồng và hoa ly, do mỗi loại hoa có kỹ thuật chăm sóc khác nhau. "So với trồng các loại hoa truyền thống, trồng hoa ly đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Người trồng hoa phải nắm vững đặc tính của hoa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Đặc biệt, hoa ly cần có chế độ chăm sóc riêng nên mất công hơn nhiều so với loại hoa khác. Năm ngoái, vì tính toán không kỹ khiến gần 1 mẫu ly nở muộn nên bán không có lãi", chị Đềm cho biết.

Do năm nay nhuận nên nông dân ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) chưa vội tuốt lá cho đào bật nụ. Chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Đồng Bào cho biết: "Cây đào rất nhạy cảm với thời tiết nên người ta thường ví trồng đào như "chơi một canh bạc với ông trời". Hoa nở muộn còn có cách tưới thêm nước, bón phân, thắp điện chứ đào mà ra hoa sớm thì chỉ "bó tay". Năm ngoái, do trời ấm, nhiều cây đào ở vườn nhà tôi nở sớm. Nhìn những cây đào chi chít hoa mà tôi chỉ biết ngậm ngùi chặt bỏ". Cả xã Gia Xuyên có hơn 30 ha đào. Trồng đào đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở đây dịp cuối năm. Tuy nhiên, để đào nở đúng dịp Tết là sự vất vả, dày công chăm sóc của người trồng cũng như cần thời tiết ủng hộ.

Thiếu giống hoa mới

Nghề trồng hoa đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nông dân nhiều nơi chủ yếu trồng các giống hoa truyền thống, chưa có nhiều giống hoa mới. Các giống hoa cao cấp của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) vẫn khó đến với nông dân.



Thời điểm này, vườn hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Đềm ở thôn Đĩnh Đào, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc)
 phải thuê 15 lao động làm việc cả buổi tối để chăm sóc hoa kịp bán Tết


Ở vùng hoa Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) hầu hết các vườn chỉ trồng một vài loại hoa cúc và hoa hồng. Ở đây phần lớn là các giống hoa truyền thống, kiểu dáng và màu sắc đơn điệu, tự nhân dân để giống. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một vườn hoa ở Tranh Xuyên cho biết: "Trước đây tôi đã thử trồng một số loại hoa mới như ly, loa kèn chịu nhiệt, tường vi nhưng do các giống hoa này khá đắt trong khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên tôi lại quay về trồng các loại hoa truyền thống". Thôn Phù Tải, xã Kim Đính (Kim Thành) có truyền thống trồng hoa từ nhiều năm nay nhưng các hộ dân ở đây cũng chỉ duy trì trồng các loại hoa như cúc, hồng, violet... Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Kim Đính cho biết: "Nghề trồng hoa ở Phù Tải cho thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa. Diện tích trồng hoa ở đây ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, hầu hết nông dân Phù Tải vẫn đang trồng các giống hoa "cỏ", chưa mạnh dạn trồng các giống hoa mới cao cấp hơn. Để giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế từ trồng hoa, xã đang phối hợp với Công ty Hoa miền Bắc xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc các giống hoa cao cấp". Còn với anh Nguyễn Văn Chiến, chủ một trang trại trồng hoa ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) thì thị trường tiêu thụ lại là rào cản lớn nhất đối với việc trồng các giống hoa mới. Anh cho biết: "Phần lớn những giống hoa mới hiện nay bán ở TP Hải Dương và một số vùng lân cận đều được nhập từ Hà Nội hoặc Đà Lạt. Giá bán các loại hoa cao cấp khá cao nên các tiểu thương cũng không nhập nhiều. Nếu chúng tôi mở rộng vùng trồng hoa cao cấp thì rất khó tìm thị trường tiêu thụ ổn định".

Những ngày này người trồng hoa đang phải "nín thở chờ trời", mong cho một năm làm ăn thuận lợi và một cái Tết sung túc, đủ đầy.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tất bật trồng hoa đón Tết