Tập hợp những người nuôi chim trĩ

27/11/2013 10:46

Trong khi ngành chăn nuôi tỉnh ta liên tiếp gặp khó khăn thì mô hình nuôi chim trĩ ở xã Quang Minh- Gia Lộc lại đạt hiệu quả kinh tế cao.



Nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX Liên Minh Phát (xã Quang Minh, Gia Lộc)


Thu lãi cao

Anh Vũ Xuân Hòa ở xã Quang Minh (Gia Lộc) cho biết, gia đình anh nuôi chim trĩ từ năm 2010 với quy mô nhỏ. Đến nay, gia đình anh nuôi 3.000 con chim giống và 11 nghìn con chim thương phẩm. Chim trĩ có nhiều ưu điểm như: Con giống rẻ, chỉ 50 nghìn đồng/con, từ khi nở ra đến khi bán, tiền thức ăn hết khoảng 80 nghìn đồng; là động vật hoang dã nên sức đề kháng của chim cao, chi phí tiêm phòng cũng ít hơn, chỉ bằng 1/4 so với gia cầm... Hiện tại, giá 1 kg chim trĩ mua tại chuồng là 260 nghìn đồng. Trọng lượng chim mái từ 1,2-1,3 kg/con, chim trống từ 1,4-1,6 kg/con, thời gian nuôi khoảng 6 tháng. Như vậy trừ chi phí, người nuôi lãi từ 100-120 nghìn đồng/con. Năm 2012, trừ chi phí, gia đình anh Hòa lãi hơn 1 tỷ đồng từ việc nuôi chim thương phẩm và bán chim giống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Thương ở xã Tân Trào (Thanh Miện) cũng nuôi chim trĩ đã được 4 năm nay. Lúc đầu, do ít kinh nghiệm và chưa có thị trường tiêu thụ nên chị Thương chỉ nuôi 70 con chim mái đẻ. Năm 2011, thấy nhu cầu chim giống và chim thịt tăng cao, chị Thương đã mở rộng quy mô nuôi chim bố mẹ và nuôi thêm chim thương phẩm. Chị cho biết: “Hiện tại tôi có 1 trang trại nuôi chim trĩ tại gia đình và thuê thêm 4 trang trại ở xã Minh Tân, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Tổng cộng tôi có 200 con chim mái đẻ và 3.000 con chim thương phẩm. Để có thể cung cấp giống ổn định cho người dân, tôi đã đầu tư mua 1 máy ấp trứng công suất 8.000 quả. Trung bình mỗi ngày, tôi đưa ra thị trường 100 chim con. Từ việc bán chim giống và chim thịt, năm 2012, gia đình tôi lãi trên 1,1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi cũng lãi được khoảng 700 triệu đồng”.

Hướng đến chuyên nghiệp

Ông Phạm Hữu Kiên, Chủ nhiệm HTX Liên Minh Phát ở xã Quang Minh (Gia Lộc) cho biết, chim trĩ được nuôi ở tỉnh ta vào khoảng năm 2008 nhưng nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ hẹp. Sau đó, do việc nuôi những loại gia súc, gia cầm khác gặp khó khăn nên số người tìm hiểu và đưa chim trĩ vào nuôi ngày càng nhiều. Ở xã Quang Minh cũng có vài hộ nuôi loại chim này. Trong quá trình nuôi, các hộ có nhu cầu liên kết để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vốn và thị trường tiêu thụ. Do đó, tháng 6 vừa qua, họ đã gia nhập HTX Liên Minh Phát. HTX có 11 xã viên sáng lập và 115 xã viên thành viên gồm: Hải Dương (70 xã viên), Hải Phòng (20 xã viên),  Hà Nội, Hưng Yên (mỗi đơn vị 8 xã viên), Hà Nam (4 xã viên) và Thái Bình (5 xã viên). Mỗi tháng 2 lần, các xã viên được tham gia sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Ngoài ra, khi có việc đột xuất, xã viên chỉ cần liên hệ, cán bộ kỹ thuật của HTX sẽ đến nơi để hướng dẫn. HTX quy định chỉ những người là xã viên sáng lập, có kinh nghiệm nuôi lâu năm, điều kiện trang trại bảo đảm mới được phép nuôi chim bố, mẹ. Hiện tại, cả HTX chỉ có 6 xã viên được nuôi chim bố, mẹ với số lượng khoảng 5.000 con. Các xã viên của HTX được mua chim non với giá rẻ hơn. Khi ấp được chim non, HTX sẽ thu mua tại chuồng với giá 260 nghìn đồng/kg. Toàn HTX hiện có khoảng 28 nghìn chim trĩ thương phẩm. Năm 2012, ngoài việc cung cấp cho các xã viên, HTX còn cung cấp khoảng 28 nghìn con giống cho thị trường miền Nam. Đội ngũ cán bộ HTX cũng được lựa chọn kỹ. Trong số 11 người sáng lập, thì 8 người có trình độ đại học. Trong đó có 2 kỹ sư nông nghiệp chuyên phụ trách mảng kỹ thuật chăn nuôi, 5 người chuyên ngành kinh doanh phụ trách thị trường. Chính vì thế, thời gian qua, HTX luôn tìm được những đơn hàng ổn định, bảo đảm đầu ra cho người dân. Vì chim trĩ là động vật hoang dã, nên các xã viên đều có giấy phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Bên cạnh đó, các xã viên cũng được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản  tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Chim trĩ tiến vua” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Hiện nay, HTX đang làm dự án để thành lập nhà máy giết mổ, chế biến và đóng gói nhằm đưa sản phẩm chim trĩ vào hệ thống siêu thị. Ông Phạm Hữu Kiên cho biết thêm: Hiện tại vùng nguyên liệu còn hạn chế nên HTX mới cung cấp được sản phẩm sống cho các nhà hàng, khách sạn ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Khi vùng nguyên liệu ổn định, HTX sẽ xây dựng nhà máy giết mổ, để đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp cho thị trường. Và có như vậy thì việc chăn nuôi của người dân mới ổn định. Với việc giết mổ và cấp đông, sản phẩm sẽ có thời gian bảo quản lâu hơn, làm giảm áp lực về việc tiêu thụ cho người sản xuất cũng như HTX.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập hợp những người nuôi chim trĩ