Tạo việc làm cho người khuyết tật: Doanh nghiệp chớ lo thiệt

13/11/2018 10:09

Người khuyết tật (NKT) vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Họ cần sự sẻ chia, cảm thông của toàn xã hội để xóa bỏ mặc cảm, tự lập vươn lên...

Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Ninh Giang tặng quà lao động khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH Sejin Vina

Chịu khó, gắn bó

NKT không có được sức khỏe giống như người bình thường. Khiếm khuyết của họ có thể ở chân, tay, nghe, nói, thậm chí cả về nhận thức. Hạn chế về sức khỏe là nguyên nhân khiến cho nhiều NKT lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi không làm ra kinh tế. Bởi vậy nên nếu có một công việc phù hợp, với mức thu nhập ổn định họ sẽ luôn nỗ lực hết mình, chịu thương chịu khó làm việc, gắn bó lâu dài.

Anh Thái Thanh Hà ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang) bị khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn. Vợ anh Hà cũng là NKT. Trước đây, vì khuyết tật nên 2vợ chồng anh không xin được việc làm, đành ở nhà làm nông nghiệp. Do hạn chế về sức khỏe, không làm được nhiều nên cuộc sống của vợ chồng anh hết sức khó khăn, chật vật. Năm 2014, anh Hà được Công ty TNHH Sejin Vina (chủ là người Hàn Quốc), chuyên sản xuất hàng may mặc ở Ninh Giang tuyển dụng. Có việc làm, anh Hà mừng lắm. Anh nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin của nhà tuyển dụng và để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cần cù trong công việc lại tích cực học hỏi nên tay nghề của anh Hà ngày một nâng cao. Đến nay, anh đã được ban lãnh đạo công ty tin tưởng giao phó vị trí tổ trưởng chuyền may. Đáng khen hơn nữa là chuyền của anh thường xuyên đứng đầu về số lượng sản phẩm hoàn thành trong tháng. Nhiều năm gần đây, trong chương trình tổng kết cuối năm, anh luôn được công ty khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mức thu nhập của anh Hà hiện đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều người sức khỏe bình thường trong công ty.

Công ty Liên doanh quốc tế ABC (Chí Linh) hiện cũng sử dụng hàng chục lao động là NKT. Khi tuyển dụng, Ban lãnh đạo công ty không hề phân biệt người có sức khỏe bình thường và NKT, chỉ cần có đủ khả năng và phù hợp với công việc được giao. Thậm chí, Ban lãnh đạo công ty còn có phần ưu ái NKT với suy nghĩ đây là việc làm nhân ái, từ thiện. Công ty đầu tư xây dựng nhà trọ với khu nấu ăn, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh... miễn phí cho NKT.

Chị Lê Thị Bích Thủy, Trưởng ban Nữ công công ty cho biết đa phần NKT làm việc ở công ty là nữ. Họ làm ở các vị trí thêu, may, bán hàng. NKT cũng có thế mạnh riêng của họ. Hầu hết NKT đều rất chịu khó, kiên trì, tích cực làm việc. Họ làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả trái tim. Bởi hơn ai hết, họ cần công việc để tự lập trong cuộc sống vốn không hề dễ dàng đối với họ. Và NKT chỉ nghỉ việc trong trường hợp vạn bất đắc dĩ mà thôi.


Cơ sở may áo dài Bảo Hân (TP Hải Dương) luôn rộng cửa chào đón người khuyết tật có khả năng phù hợp vào làm việc

Chính sách hỗ trợ đã có, cần thúc đẩy

Để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm tạo việc làm cho NKT, nước ta đã có những chính sách ưu tiên. Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, thuê đất... Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT theo quy định. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ NKT làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định. Miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước...

Tuy có những chính sách ưu ái riêng như vậy nhưng theo đánh giá, ở tỉnh ta còn rất ít doanh nghiệp tạo việc ổn định cho NKT với số lượng từ 30% trở lên so với tổng số lao động. Phần lớn doanh nghiệp không muốn tuyển dụng lao động là NKT. Chị Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh cho biết NKT nếu tự đi xin việc làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lý do các doanh nghiệp, đơn vị đưa ra là sợ họ không bảo đảm tiến độ sản xuất. Có doanh nghiệp còn đòi hỏi NKT phải có tay nghề cao, tinh nhuệ. Điều này là hết sức phi lý và NKT khó đáp ứng được. Do đó, Hội NKT tỉnh đã trở thành cầu nối xin việc cho NKT. Để làm tốt, cán bộ hội phải trực tiếp đến vận động doanh nghiệp, cam kết về tay nghề cũng như ý thức làm việc của NKT với doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, hội đã giới thiệu việc làm cho khoảng 250 NKT. Con số này mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu việc làm của NKT ở tỉnh ta hiện nay.

Nhìn vào những ưu điểm trên của NKT và những chính sách ưu đãi của Nhà nước ta đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT, mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mở lòng với lao động khuyết tật. Và, ngoài Hội NKT, sẽ có thêm nhiều cầu nối việc làm nữa đến với họ.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo việc làm cho người khuyết tật: Doanh nghiệp chớ lo thiệt