Hải Dương làm tốt công tác tạo nguồn vận động viên bắn súng thông qua các lớp nghiệp dư và lớp huấn luyện ở nhiều huyện.
Những năm qua, lớp bắn súng của huyện Thanh Hà cung cấp nhiều vận động viên trẻ năng khiếu cho tỉnh
Bắn súng luôn là môn thể thao mũi nhọn có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích chung của thể thao Hải Dương. Thời gian qua Hải Dương đã làm tốt công tác tạo nguồn vận động viên (VĐV) bắn súng thông qua các lớp nghiệp dư và lớp huấn luyện ở nhiều huyện.
Những "chân rết"Còn gần 30 phút mới đến giờ tập nhưng các VĐV lớp bắn súng nghiệp dư tỉnh mở tại Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Thanh Hà đã tập trung đông đủ. Mỗi VĐV được phân công một việc, người thì mang súng ra điểm tập và lau chùi, kiểm tra, người thì quét dọn, lắp đặt, chỉnh sửa lại bia bắn. Những công việc này của các VĐV trở thành nền nếp nhiều năm nay.
Nhận thấy nhiều thanh, thiếu niên có tố chất tốt, năm 2008, huyện Thanh Hà đã mở lớp huấn luyện bắn súng. Từ đó đến nay, lớp duy trì quân số 12 - 15 VĐV. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, huấn luyện viên (HLV) trực tiếp đi đến những trường THCS của huyện tuyển chọn VĐV. Nhiều năm nay, Thanh Hà luôn khẳng định vị trí số 1 về môn bắn súng phong trào của tỉnh.
Không chỉ huyện Thanh Hà, các huyện Gia Lộc, Thanh Miện cũng tổ chức được lớp huấn luyện môn bắn súng. Mỗi năm, các lớp duy trì 12 - 15 VĐV.
Xác định công tác phát hiện, nuôi dưỡng tài năng bắn súng ngay từ cơ sở có ý nghĩa quan trọng giúp tuyển chọn được những VĐV chất lượng nên nhiều năm nay, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh luôn quan tâm mở các lớp nghiệp dư chuyên về súng hơi phổ thông cho thanh, thiếu niên. Hằng năm, bộ môn bắn súng tỉnh xuống các địa phương tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ huấn luyện, truyền thống thể thao, nếu thấy đáp ứng được yêu cầu sẽ mở lớp. Các lớp nghiệp dư được tỉnh trang bị 3 - 4 khẩu súng, mỗi quý cấp 500 viên đạn tiêu chuẩn và hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ HLV. Bộ môn bắn súng tỉnh cùng với HLV các lớp xây dựng chương trình huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và thường xuyên xuống kiểm tra, đánh giá chất lượng cũng như việc tuân thủ quy chế huấn luyện. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh tổ chức giải súng hơi để đánh giá chất lượng huấn luyện của các địa phương.
Làm tốt công tác tuyển chọn, huấn luyện, nhiều năm nay, các lớp nghiệp dư đã cung cấp nhiều VĐV có chất lượng tốt cho bộ môn bắn súng. Từ năm 2010 đến nay, huyện Thanh Hà có gần 10 VĐV, huyện Gia Lộc có 5 VĐV và huyện Thanh Miện có 1 VĐV lên tập ở tỉnh.
Cần được quan tâm hơnHiện nay, địa điểm tập của các lớp nghiệp dư bắn súng của tỉnh cũng như của các huyện còn mang tính tạm bợ. Lớp bắn súng của huyện Thanh Hà nhiều năm nay tập ở lán để xe của Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện. Lớp của huyện Thanh Miện tập nhờ lán xe của Trường THCS xã Tứ Cường. Lớp của huyện Gia Lộc gặp khó khăn hơn đang phải tập ở hành lang nhà làm việc của Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện. Ngoài ra, do lượng súng đạn được trang bị có hạn nên chưa đáp ứng được yêu cầu tập luyện.
Anh Tăng Đức Sáng, HLV lớp bắn súng huyện Gia Lộc cho biết: "Lớp phải tập ở hành lang chật hẹp ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Hiện nay, chúng tôi chỉ lắp được 2 bia bắn. Do VĐV đông nên mỗi buổi tập các em chỉ được tập 2 - 3 lượt. Để có đủ số lượng đạn cho VĐV tập luyện, chúng tôi phải mua thêm loại đạn bán theo cân ở bên ngoài".
Trong số 3 lớp nghiệp dư hiện nay chỉ có huyện Thanh Hà có HLV chuyên sâu về bắn súng. Nếu các lớp đều có HLV chuyên sâu sẽ giúp cho việc huấn luyện được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả hơn.
VĐV tham gia các lớp bắn súng đều đang học văn hóa và ở nhiều địa bàn khác nhau nên việc huấn luyện của HLV rất vất vả. HLV phải lựa theo lịch học của các VĐV để sắp xếp lịch tập. Theo lịch, mỗi lớp 1 tuần tập 3 buổi nhưng HLV phải dàn ra tổ chức huấn luyện gần như tất cả các buổi vì mỗi VĐV có lịch học khác nhau. Các VĐV thường chỉ theo lớp đến hết năm lớp 10. Do đó, nhiều VĐV theo lớp được 3 - 4 năm lại nghỉ để tập trung vào học văn hóa nên HLV mất nhiều công sức đi tuyển bổ sung.
Tuy điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn nhưng các HLV và VĐV đều luôn cố gắng khắc phục, quyết tâm mang về thành tích cho địa phương. Em Phạm Thị Huyền, VĐV lớp bắn súng của huyện Gia Lộc cho biết: "Em tập môn bắn súng gần 3 tháng nay. Ban đầu từ sự tò mò nhưng khi vào tập, em thấy yêu thích môn thể thao này. Điều kiện tập luyện còn nhiều thiếu thốn nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy, chúng em đã tiến bộ rất nhiều và hy vọng sau này trở thành VĐV chuyên nghiệp".
Thời gian tới, các địa phương mong muốn tỉnh hỗ trợ thêm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ HLV. Tỉnh cần mở thêm lớp nghiệp dư ở những địa phương có đủ điều kiện nhằm phát triển phong trào, đồng thời tạo nhiều "chân rết" để phát hiện tài năng trẻ.
DANH TRUNG