Tạo điều kiện cho du lịch Hải Dương phát triển

22/11/2016 08:44

Đi sâu vào khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 mở ra hướng phát triển rõ nét hơn cho ngành du lịch Hải Dương.



 Theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, khu di tích An Phụ - Kính Chủ là một trong những
 nơi được ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch

Tuy nhiên, việc thực hiện có khả thi hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn.

Đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng

Trong giai đoạn 2011 - 2015, khách du lịch đến Hải Dương có mức tăng trưởng khá, đạt 14,5%/năm nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 0,5%. Số ngày lưu trú của khách du lịch thấp, đạt trung bình 1,5 ngày. Doanh thu du lịch cũng đạt thấp hơn mục tiêu 4,9% (13,1%). Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến du lịch Hải Dương chưa giữ chân được du khách ở lại lâu là do cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém. Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra phương hướng khắc phục tình trạng này khá cụ thể, rõ ràng.

Các khu du lịch được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tiếp theo này khá nhiều, là những khu trọng điểm trong phát triển du lịch như Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện), khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà), khu du lịch An Phụ - Kính Chủ và di tích khảo cổ học Nhẫm Dương (Kinh Môn). Ngoài ra, hạ tầng du lịch tại các làng nghề truyền thống và một số điểm lẻ cũng được quan tâm như thêu ren xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), giày dép da xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), Văn miếu Mao Điền, đền Bia (Cẩm Giàng). Đây là những nơi chưa được đầu tư hạ tầng du lịch trong giai đoạn vừa qua. Yêu cầu cụ thể đối với hạ tầng của một điểm, khu du lịch là phải bố trí khu vực dành riêng cho việc kinh doanh các dịch vụ, hàng lưu niệm, tạo nên một nét văn hóa riêng cho từng điểm du lịch.

Nguồn vốn đầu tư cho du lịch giai đoạn này được dự báo khá lớn: 3.255 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đầu tư của tư nhân chiếm đa số (hơn 2.700 tỷ đồng), tăng 2.000 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy số vốn các doanh nghiệp thực sự đầu tư thấp hơn số vốn đăng ký rất nhiều. Tính chung cho cả giai đoạn 2011 - 2015 có 26 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 2.552 tỷ đồng nhưng số vốn đã đầu tư chỉ khoảng 20%.

Khi nguồn vốn đầu tư được xác định chủ yếu đến từ bên ngoài như vậy, cần có những chiến lược huy động cũng như cơ chế xử lý những dự án "treo" thì việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch mới thoát được tình trạng chỉ vẽ ra trên giấy mà không có vốn thực hiện trong thực tế.

Xây dựng sản phẩm đặc thù


Trong các cuộc hội thảo về phát triển du lịch Hải Dương, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các công ty lữ hành ở các tỉnh, thành phố bạn đều đã chỉ ra điểm thiếu hụt của du lịch Hải Dương là chưa có những sản phẩm đặc thù. Đề án phát triển du lịch trong 5 năm tới đã chú ý khắc phục thiếu sót này bằng cách chỉ ra những sản phẩm cần được đầu tư tạo điểm nhấn thu hút khách. Đó là sản phẩm du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng ở Côn Sơn - Kiếp Bạc; sản phẩm du lịch sinh thái ở Đảo Cò Chi Lăng Nam và vùng dọc sông Hương - Thanh Hà; sản phẩm du lịch làng nghề với các làng gốm Chu Đậu, thêu Hưng Đạo, giày dép da Hoàng Diệu, gỗ Đông Giao; sản phẩm du lịch kết nối giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật múa rối nước, ca trù, hát trống quân và các lễ hội truyền thống đặc sắc; sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá hang động kết hợp tín ngưỡng tâm linh tại quần thể các hang động huyện Kinh Môn; sản phẩm du lịch tâm linh theo dòng thiền phái Trúc Lâm liên tỉnh: Côn Sơn - chùa Thanh Mai (Chí Linh) - chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Yên Tử (Quảng Ninh).

Có thể thấy, các sản phẩm được nêu khá phong phú về loại hình, từ văn hoá, nghỉ dưỡng tới làng nghề, tâm linh, cả trong tỉnh và liên tỉnh. Nếu xây dựng thành công tất cả các sản phẩm này thì du lịch Hải Dương sẽ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong một giai đoạn ngắn (5 năm), nguồn vốn đầu tư có hạn và không thật sự chắc chắn thì việc thực hiện thành công các sản phẩm này vẫn là nỗi băn khoăn lớn.

Tích cực quảng bá

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong giai đoạn 2011-2015 đã được quan tâm, thể hiện cụ thể nhất ở việc thành lập Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch (từ năm 2012). Tuy nhiên hoạt động quảng bá, xúc tiến còn nhiều hạn chế do chưa hoàn thiện được bộ máy tổ chức và nguồn vốn đầu tư còn thấp (khoảng 300 triệu đồng/năm).

Theo đề án du lịch mới, vốn đầu tư cho hoạt động này trong cả giai đoạn được nâng lên 25 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách tỉnh, huyện, xã đầu tư 15 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ tư nhân 10 tỷ đồng. Ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc trung tâm cho biết, nếu đề án được thực hiện như đã phê duyệt thì trung tâm sẽ có điều kiện đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đưa khách tới cũng như đầu tư vào du lịch Hải Dương.

Trong các nội dung chủ yếu của phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, có những yếu tố mới được chú trọng như phát triển marketing điện tử; nghiên cứu tổ chức sự kiện du lịch để thu hút khách đến Hải Dương; nghiên cứu, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch; xây dựng cổng chào, hệ thống bảng, biển chỉ dẫn vào các khu di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch. Đối với các cơ sở lưu trú, ngoài việc quảng bá trên trang điện tử của doanh nghiệp nên tham gia các hệ thống đặt phòng quốc tế như agoda.com, booking.com, tripadvisor... để thu hút khách lưu trú quốc tế và khách nội địa. Có thể thấy, các nội dung này cũng rất phong phú và mới mẻ, tạo ra sức hấp dẫn mới cho các điểm đến. Tuy nhiên, nếu không có sự phân kỳ thực hiện, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thì khó lòng triển khai tất cả những nội dung này trong 4 năm sắp tới.  

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo điều kiện cho du lịch Hải Dương phát triển