Tạo chuyển biến về cấp nước sạch cho người dân

03/07/2013 06:56

Sau 7 năm thực hiện, dự án đã giúp tỉnh ta có thêm 24 trạm cấp nước cung ứng cho 39 xã với khoảng 268.600 người dân được dùng nước sạch...



Đến cuối năm nay, xã Tân Việt (Thanh Hà) có 2.180 hộ dân dùng nước từ trạm cấp nước sạch, chiếm 89% tổng số hộ


Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn (CNS-VSNT) đồng bằng sông Hồng ở tỉnh ta kết thúc vào cuối tháng 6 - 2013. Sau 7 năm thực hiện, dự án đã giúp tỉnh ta có thêm 24 trạm cấp nước cung ứng cho 39 xã với khoảng 268.600 người dân được dùng nước sạch.

Nước nhiều, chất lượng bảo đảm

Huyện Thanh Hà có 5 trạm cấp nước thuộc dự án, gồm: Tân Việt, Thanh Lang - Liên Mạc, Thanh Bính, Tiền Tiến, Trường Thành - Thanh Hồng.

Trước đây, người dân xã Thanh Bính chủ yếu sử dụng nước mưa, nước giếng khơi cho sinh hoạt, sản xuất. Tháng 8-2012, Trạm cấp nước sạch xã Thanh Bính bắt đầu hoạt động với công suất 1.000 m3/ngày đã thỏa "cơn khát" nước sạch của người dân. Đến cuối tháng 5-2013, cả xã có 1.032 hộ dùng nước sạch, chiếm 70% tổng số hộ dân. Ông Hoàng Quang Dũng ở thôn Đồng Bửa cho biết: “Ở đây, nguồn nước giếng khoan không sử dụng được do bị nhiễm mặn, hàm lượng sắt nhiều. Khi chưa có nước sạch, nhà tôi dùng nước mưa, nước giếng khơi để nấu ăn, tắm giặt... Vào mùa mưa, nguồn nước này khá dồi dào nhưng vào mùa khô thì thiếu, phải sử dụng tiết kiệm. Tháng 10-2012, gia đình tôi bắt đầu dùng nước sạch của Trạm cấp nước xã. Mỗi tháng tôi sử dụng khoảng 10 m3 nước với giá 6.000 đồng/m3 (chưa có thuế giá trị gia tăng). Nhờ có nước sạch nên nhà tôi sử dụng nước thoải mái hơn, yên tâm về chất lượng, giá bán nước cũng hợp lý”.

Cùng với trạm cấp nước, Dự án CNS-VSNT đồng bằng sông Hồng còn xây dựng tại Trường Tiểu học xã Thanh Bính 2 nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Trước đây, nhà vệ sinh của trường nhỏ, không có mái che và vệ sinh tự hoại, môi trường không bảo đảm. Từ tháng 8-2012, các giáo viên, học sinh nhà trường đã được sử dụng 2 nhà vệ sinh hiện đại khép kín, có mái che, nền đá hoa, công trình tự hoại, bồn rửa tay, nguồn điện, nước đầy đủ, bảo đảm vệ sinh, môi trường.

Nhiều xã khác trong tỉnh cũng được hưởng lợi từ dự án này. Theo ông Nguyễn Xuân Khoái, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (Ninh Giang), trước khi có nước sạch, người dân địa phương dùng nước mưa và nước giếng khoan cho sinh hoạt hằng ngày. Kết quả phân tích nước giếng khoan cho thấy chưa bảo đảm vệ sinh nên nhiều người dân không yên tâm khi sử dụng. Từ tháng 11-2012, được dùng nước sạch từ Trạm cấp nước nên người dân rất phấn khởi, yên tâm. Hiện nay, cả xã đã có 777 hộ trong tổng số gần 900 hộ dân được dùng nước sạch. Ngoài ra, xã Quyết Thắng cũng được xây dựng 4 nhà vệ sinh mới ở Trường Mầm non, Trạm Y tế, nhà văn hóa thôn Đồng Lại và Quảng Nội thay thế cho các nhà vệ sinh tạm bợ, chật hẹp trước kia. Kinh phí xây dựng cho mỗi nhà vệ sinh là 170 triệu đồng.

Thêm 270 nghìn người được dùng nước sạch


Cùng với 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thực hiện Dự án CNS-VSNT đồng bằng sông Hồng. Dự án này triển khai từ năm 2006, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng kinh phí phân bổ cho tỉnh ta là hơn 26 triệu 971 nghìn đô la Mỹ (hơn 542 tỷ đồng). Các công việc chính của dự án là: xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước, vệ sinh công cộng, thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm thay đổi hành vi vệ sinh, nâng cao năng lực cho cộng đồng, chính quyền, doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận dự án, tỉnh ta nói chung và Ban Quản lý dự án CNS-VSNT nói riêng đã làm tốt các phần việc đề ra. Ông Đặng Đức Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án CNS-VSNT cho biết: “Ban đầu, dự án đặt ra kế hoạch xây dựng 23 trạm cấp nước cho 29 xã với hơn 40 nghìn hộ dân đấu nối và khoảng 200 nghìn người dân được dùng nước sạch. Nhưng nhờ việc tiết kiệm nguồn vốn trong đấu thầu, xây dựng nên kết quả thực hiện dự án đã vượt so với kế hoạch. Kết thúc dự án, tỉnh ta có 24 trạm cấp nước sạch cho 39 xã với gần 55 nghìn hộ đấu nối (đạt tỷ lệ 81,5%) và gần 270 nghìn người dùng. Dự án thành công đã giúp có thêm khoảng 15% số hộ dân nông thôn được dùng nước sạch. Việc giải ngân đạt 100% kế hoạch khi kết thúc dự án”.

Ngoài trạm cấp nước, dự án này còn xây dựng cho nhiều nhà vệ sinh công cộng khá hiện đại, bảo đảm chất lượng, sử dụng hiệu quả, qua đó cải thiện môi trường, giữ gìn sức khỏe cho người dân. Toàn tỉnh đã xây dựng được 220 nhà vệ sinh công cộng ở trường học, mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hóa thôn cho các xã tham gia dự án. Một phần kinh phí dự án giao cho Hội Phụ nữ tỉnh để cho hội viên vay quay vòng. Nhờ nguồn vốn này, 8.326 hộ dân đã xây dựng các công trình vệ sinh gia đình như: bể nước, bồn vệ sinh tự hoại, nhà tắm, cống rãnh.

24 trạm cấp nước sạch đã xây dựng xong, gồm: Tân Việt, Thanh Lang - Liên Mạc, Thanh Bính, Tiền Tiến, Trường Thành - Thanh Hồng (Thanh Hà), Đồng Gia, Ngũ Phúc, Kim Xuyên (Kim Thành), Thái Dương, Nhân Quyền - Cổ Bì (Bình Giang), Thái Thịnh, Thăng Long (Kinh Môn), Phạm Trấn, Lê Lợi - Yết Kiêu (Gia Lộc), Quảng Nghiệp, An Thanh - Tứ Xuyên, Minh Đức - Quang Khải (Tứ Kỳ), Cẩm Phúc, Cẩm Đông (Cẩm Giàng), Nam Tân, Thái Tân - Minh Tân (Nam Sách), Quyết Thắng, Tân Hương (Ninh Giang), An Lạc (Chí Linh). Những trạm này không chỉ cung cấp nước cho người dân địa phương mà còn cung ứng cho nhiều người dân địa phương khác nhờ hệ thống đường ống. Tính đến cuối tháng 5 - 2013, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở nhiều xã đạt cao như: Cẩm Đông đạt 97%, Cẩm Phúc 94%, Ngũ Phúc 93%, Tân Việt 89%, Kim Xuyên 88%. Chất lượng thi công công trình cơ bản bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, thiết kế.



NINH TUÂN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo chuyển biến về cấp nước sạch cho người dân