Sau phiên khai mạc, hội nghị đã nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh trình bày một số tờ trình về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnhTờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày nêu rõ: Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2016-2020 đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.
Hải Dương sẽ thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 11% tổng sản phẩm trên địa bàn; công nghiệp, xây dựng chiếm 56% và dịch vụ 33%. Tỉnh sẽ khai thác, phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị tăng thêm cao, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động liên kết, hợp tác phát triển và hội nhập quốc tế.
Trên lĩnh vực xã hội, sẽ đổi mới sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 11 nhiệm vụ cần thực hiện trên các lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là việc sẽ tăng cường liên kết hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Tập trung vào lĩnh vực: sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ vận tải kho bãi, dịch vụ tài chính. Thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện căn bản môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý chặt chẽ quỹ đất để bố trí các công trình công cộng và cây xanh…
Thu hút vốn FDI giảmTờ trình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng và một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2016 do đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày nêu rõ trong 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,8%, thấp hơn kế hoạch (kế hoạch tăng trưởng 8,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,9%, dịch vụ tăng 7,2%.
đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Toàn tỉnh đã có 64 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Trong 9 tháng đã triển khai hỗ trợ 22 xã đăng ký về đích NTM năm 2016. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 7.667 tỷ 891 triệu đồng, trong đó thu nội địa 6.130,4 tỷ đồng (bằng 76% dự toán năm, tăng 7,5%). Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 7.202 tỷ 596 triệu đồng (đạt 76% dự toán năm).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng mức thu hút đầu tư đạt 202,2 triệu USD. Tỉnh ta đã chấm dứt hoạt động 3 dự án đầu tư do nhà đầu tư không tiếp tục triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 321 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.929 triệu USD.
Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh có 866 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 174 doanh nghiệp) với tổng vốn đăng ký 3.092,8 tỷ đồng; xóa tên, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 113 doanh nghiệp. 286 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.
Toàn tỉnh đã tăng thêm 35 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số đạt chuẩn lên 517 trường. Giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 28.901 lao động (đạt 85% kế hoạch); xuất khẩu lao động được 2.962 người (đạt 80,1% kế hoạch).
Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đó là công nghiệp tuy có mức tăng trưởng khá, nhưng chưa có bứt phá mạnh mẽ về chất lượng các dự án đi vào sản xuất. Môi trường đầu tư tuy có bước cải thiện nhưng chưa có chuyển biến rõ nét.
Chất lượng giáo dục trong các trường ngoài công lập còn thấp. Ô nhiễm môi trường cục bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, đặc biệt là khu vực nông thôn, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Tình hình tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp.
Công tác chỉ đạo cải cách hành chính ở một số ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả còn thấp. Việc giám sát, kiểm tra, xử lý các cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp còn thiếu cương quyết. Tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp của công dân ở một số địa phương có chiều hướng gia tăng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV của năm. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu vượt thu ngân sách 5% trở lên so với dự toán Trung ương giao.
THANH MAI