Tăng trưởng kinh tế bền vững là yêu cầu của một nền kinh tế hiện đại phải bảo đảm ba yếu tố: kinh tế, môi trường, an sinh xã hội.
Đó là tư tưởng chủ đạo, nhất quán trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức ngày 11.1 vừa qua tại Hà Nội có đông đảo các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước cùng khoảng 1.500 đại biểu dự. Hội nghị bày tỏ vui mừng trước nền kinh tế Việt Nam đang trên đà khởi sắc, đặc biệt năm2017 GDP tăng tới 6,81%, mức tăng trưởng cao ở khu vực và trên thế giới.
Chúng ta không vì đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua môi trường và không quan tâm đúng mức đến an sinh xã hội. Phát triển "nóng" sẽ mang lại những hậu quả khôn lường.
Nền kinh tế tăng trưởng bền vững lại phải có 3 yếu tố cơ bản: lao động, tài nguyên, vốn và công nghệ, trong đó năng suất lao động (NSLĐ) là quyết định. Muốn có NSLĐ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines, 87% của Lào. Thách thức này là rào cản của tăng trưởng kinh tế bền vững.
Mặc dù năm 2017 GDP tăng trưởng 6,81%, nhưng sang năm 2018, Quốc hội chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%, bởi vì chỉ số tăng trưởng GDP phải cân đối với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Không vì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà bỏ qua những yếu tố cơ bản đó.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Nâng cao NSLĐ, môi trường phải được cải thiện... Mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần... Tận dụng cơ hội, phát huy tiềm lực để trở thành con hổ mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao không?
Hiện nay, những yếu tố để tạo nên NSLĐ cao của nước ta còn nhiều bất cập. Cả nước có trên nửa triệu doanh nghiệp, 96% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp vừa, khoảng 2% doanh nghiệp lớn. Trình độ công nghệ lạc hậu, nhất là doanh nghiệp dân doanh sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ, 76% số thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ 1960-1970, 75% số thiết bị đã khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang. Nguồn nhân lực, lao động qua đào tạo có bằng cấp và chứng chỉ chiếm 20,6%, khu vực nông thôn 12,8%. Thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật cao. Trình độ quản trị kinh doanh thấp, phần lớn chủ doanh nghiệp siêu nhỏ không được đào tạo cơ bản. Chi phí kinh doanh lớn, rủi ro cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí của Việt Nam chiếm 25% GDP, trong khi Thái Lan 19%, Trung Quốc 18%, Malaysia 13%... Đó là những nhân tố kìm hãm NSLĐ. Năm 2017, gần 60% số doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động còn cao. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của ta thời gian qua chỉ dựa vào 2 yếu tố là: lao động giá rẻ và tài nguyên.
Trước thực trạng trên, Trung ương nêu rõ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh làm động lực phát triển. Đầu tư chiều sâu cho từng loại sản phẩm, ngành hàng, thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược, đào tạo, phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực, điều chuyển nguồn nhân lực ở khu vực NSLĐ thấp sang làm việc ở những nơi có NSLĐ cao hơn. Chú trọng tăng NSLĐ ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
Trước mắt, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chương trình hành động với 10 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Theo hướng đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm, tạo nên những đột phá mới. Diễn đàn kinh tế lần 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã tạo một bước chuyển mới, nâng cao nhận thức, hành động quyết liệt hơn để thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
VŨ HOÀNG LUYẾN