Việc phá lệ điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng từ 1.7 thay vì 1.1 hàng năm đối với các doanh nghiệp sẽ là quá gấp gáp nhưng người lao động cũng không thể chia sẻ khó khăn lâu hơn được nữa.
Việc lựa chọn thời điểm tăng lương vẫn chưa có được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu từ 180.000-260.000 đồng/người/tháng theo từng vùng (tăng bình quân 6%) từ ngày 1.7 để đề xuất lên Thủ tướng xem xét ban hành. Ngay sau đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị Thủ tướng lùi thời điểm tăng lương tới ngày 1.1.2023.
Như vậy, dù đã hơn 2 năm không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng nhưng việc lựa chọn thời điểm tăng lương hiện chưa có được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.
Đâu mới là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp và người lao động chia sẻ khó khăn với nhau?
Quá gấp cho doanh nghiệp
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua, tất cả 17 thành viên hội đồng đã đồng ý tăng lương tối thiểu thêm 6%, trong đó có 15 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/7 năm nay và 2 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1.1.2023. Do đó, hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 và có thể báo cáo thêm nội dung các phiên thảo luận để tham khảo. Như vậy, nếu được thông qua, doanh nghiệp chỉ còn khoảng 2 tháng để chuẩn bị cho việc tăng lương.
Việc 8 hiệp hội cùng kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu tới ngày 1.1.2023 ngay sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án trình Chính phủ, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không phải là vấn đề mới. Trước đó, khi Hội đồng Tiền lương quốc gia nhóm họp thì các doanh nghiệp, hiệp hội đã kiến nghị như vậy và đã được đưa ra thảo luận, trao đổi, cân nhắc tại các phiên họp.
Ông Hoàng Quang Phòng chỉ ra nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn nhất khi điểu chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ, đặc biệt là với những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động. Chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 người lao động trên cả nước hiện rất nhiều. Do đó, tăng lương luôn cần tính tới duy trì hoạt động doanh nghiệp để có việc làm, sau đó mới tăng thu nhập cho người lao động.
“Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ kiến nghị theo kết quả phiên họp, còn việc tăng hay không, thời điểm nào áp dụng sẽ do Thủ tướng quyết định. Ngoài ra, trước khi ban hành nghị quyết về tăng lương tối thiểu, theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ sẽ lấy ý kiến các bên liên quan để tiếp tục đánh giá, cân nhắc thêm,” ông Hoàng Quang Phòng nói.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định vấn đề về lương cần sự chia sẻ từ cả hai bên. Vì vậy, trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động doanh nghiệp cùng nỗ lực để chia sẻ khó khăn với người lao động.
Người lao động đã chia sẻ rất nhiều
Cho rằng việc 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu là vấn đề không mới, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết những năm qua, các hiệp hội thường có động thái này khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp xong. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Thủ tướng Chính phủ đều quyết định tăng lương trên cơ sở đề xuất của hội đồng.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, thông tin các hiệp hội kiến nghị chưa tăng lương từ ngày 1.7.2022 khiến nhiều cán bộ công đoàn và công nhân lao động bày tỏ sự bức xúc. Họ cho rằng trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh phải làm việc “3 tại chỗ,” đồng ý tăng thời giờ làm thêm.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Tôi tin rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển. Việc tăng lương ở thời điểm này có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với người lao động trong bối cảnh họ gặp khó khăn, thậm chí là khó khăn gay gắt,” đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của ông Ngọ Duy Hiểu, một số chuyên gia cũng cho rằng tăng lương sớm có lợi cho đôi bên dù doanh nghiệp gặp khó khăn ban đầu trong sản xuất. Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng các hiệp hội doanh nghiệp có quyền kiến nghị song phương án đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên, việc còn lại là trình Chính phủ thông qua.
“Doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn trước mắt để chuẩn bị cho thời điểm tăng lương từ 1/7 bởi đây cũng là cách giữ chân lao động ở lại nhà máy trong bối cảnh thiếu hụt nhân công. Tăng ‘phá lệ’ từ ngày 1/7 khiến doanh nghiệp xáo trộn kế hoạch ban đầu, nhưng về lâu dài lại hưởng lợi hơn,” ông Bùi Sỹ Lợi nhận định./.
Theo phương án tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia, từ 1/7 tiền lương tối thiểu của vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng. |
Theo Vietnam+