Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho tăng giá dịch vụ hàng không từ 15-40% từ năm 2017.
Trong khi các hãng hàng không trong nước cho rằng, mức tăng này sẽ tác động đến giá vé máy bay thì Cục Hàng không khẳng định tăng phí là cần thiết để tái đầu tư hạ tầng và giá vé máy bay sẽ giữ nguyên “mức trần” như hiện nay.
Nhà nước không thể bao cấp mãi
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa tại cảng hàng không (CHK) nhóm B (Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Thọ Xuân) tăng 15%.
Mức giá này tại các CHK nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ) sẽ được áp bằng 115% nhóm B. Với nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá), sẽ thu bằng 60% mức giá tương ứng tại CHK nhóm B.
Các mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, giá phục vụ hành khách quốc nội, giá dịch vụ sân đậu tàu bay… cũng được đề xuất điều chỉnh tăng.
Trong số này, đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tăng giá phục vụ hành khách quốc nội (thu từ hành khách). Được biết, mức giá đề xuất áp dụng tại các CHK tương ứng với nhóm A, B, C lần lượt là 100.000 đồng, 80.000 đồng và 60.000 đồng/khách. So với quy định hiện hành, mức giá này tăng 42% (nhóm A), 33% (nhóm B) và không tăng tại CHK nhóm C.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá này chỉ bằng 32- 72% tùy loại tàu bay. Mặt khác, để bảo đảm doanh thu về dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay với chuyến bay nội địa đủ bù đắp chi phí (hòa vốn), mức giá cần điều chỉnh tăng 225% và để ACV lãi 10%, cần điều chỉnh tăng tới 258%.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh được đưa ra trên cơ sở kiến nghị của ACV là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
“Vận tải hàng không đang phát triển 'nóng', gây áp lực lớn lên hạ tầng hàng không. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục phải điều tiết, bảo đảm sự phát triển bền vững. Trong khi đó, giá thu phí dịch vụ CHK, sân bay đối với các chuyến bay quốc nội của Việt Nam hiện quá thấp so với khu vực và đặc biệt chênh lệch rất lớn so với giá các chuyến bay quốc tế”, ông Lại Xuân Thanh nhận định.
Làm rõ hơn nhận định của mình, ông Thanh thông tin, hiện giá dịch vụ điều hành bay đi đến quốc nội đối với tàu bay A320 và A321 trên đường bay dưới 250 km tại Việt Nam là 1,350 triệu đồng/lượt điều hành cất/ hạ cánh, trong khi bình quân khu vực ASEAN là 4,708 triệu đồng; đối với đường bay từ 250 km trở lên với loại tàu bay này là 3,02 triệu đồng, trong khi giá bình quân của các nước ASEAN là 5,351 triệu đồng.
Đối với giá dịch vụ cất hạ cánh với tàu bay A320 của Việt Nam hiện là 111,57 USD/chuyến bay, trong khi giá bình quân các nước trong khu vực ASEAN là 204 USD/chuyến bay. Còn mức giá sân bay nhóm A hiện cũng rất rẻ, giá thuê bao (theo tháng) là 21 triệu đồng/tháng/vị trí đỗ, như vậy chỉ có 700.000 đồng/ngày/vị trí đỗ.
“Các mức giá dịch vụ CHK, sân bay như vậy là quá thấp, chẳng khác nào Nhà nước phải bao cấp hạ tầng cho các hãng hàng không. Trong khi đó, giai đoạn 2010-2015, vốn Nhà nước đổ vào đầu tư hạ tầng hàng không chỉ chiếm 23%”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Doanh nghiệp phải tự cân đối, không nới trần giá vé máy bay
Mặc dù vậy, các hãng hàng không trong nước cho rằng, việc tăng giá dịch vụ CHK, sân bay này sẽ tác động lên giá vé máy bay, gây khó khăn lớn cho các hãng.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet Air cho biết, nếu áp dụng việc tăng như đề xuất của ACV và kiến nghị của Cục Hàng không thì năm 2017 hãng sẽ bị tăng chi phí lên hơn 200 tỷ đồng.
“Theo kiến nghị của ACV và Cục Hàng không mức điều chỉnh tăng rất mạnh giá các dịch vụ hàng không. Việc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Vietjet do tỉ trọng khai thác nội địa của hãng rất cao (chiếm khoảng 90% sản lượng). Mức tăng chi phí rất lớn như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của hãng cũng như các hãng hàng không nội địa”, ông Lưu Đức Khánh cho hay.
Không những tăng giá dịch vụ tại cảng mà theo kiến nghị của Cục Hàng không và đề xuất của ACV thì giá phục vụ hành khách và giá soi chiếu an ninh hành khách/hành lý cũng tăng rất mạnh. Theo tính toán, việc tăng thu 2 mức giá này từ 80.000 đồng/khách lên 120.000 đồng/khách sẽ giúp ACV mỗi năm tăng doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Do đó, đại diện Vietjet Air kiến nghị, Cục Hàng không tính toán, cân đối phần tăng thêm này để giảm thiểu tác động lên giá vé máy bay.
Tương tự, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cũng cho biết, việc tăng phí dịch vụ CHK, sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay của các hãng vì chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các hãng hàng không khó có thể điều chỉnh ngay lập tức việc tăng giá vé máy bay vì còn liên quan đến chiến lược phát triển ngành hàng không cũng như yếu tố cạnh tranh hiện nay.
Đại diện các hãng hàng không đều cho rằng, giá vé máy bay bình quân hiện nay đang ở mức thấp và tiếp tục có xu hướng giảm. Do vậy, việc tăng giá dịch vụ CHK, sân bay sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giá vé của các hãng.
Còn ông Lại Xuân Thanh cho rằng, để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, việc tăng giá sẽ có lộ trình và mức tăng phù hợp. Hơn nữa, hiện các hãng hàng không vì tính cạnh tranh nên đang bán vé máy bay dưới giá thành nên đây là sự phát triển không bền vững.
“Các hãng hàng không phải tính toán lại, cơ cấu lại dải giá vé máy bay một cách phù hợp. Nhà nước tăng giá dịch vụ sân bay nhưng không nới trần giá vé máy bay nên sẽ ít ảnh hưởng đến hành khách”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.
Phan Trang (VGP)