Hải Dương là tỉnh có nhiều sông, trong đó có một số sông lớn như Thái Bình, Kinh Thầy, Kinh Môn, sông Luộc...
Lực lượng liên ngành huyện Nam Sách kiểm tra, xử lý nhiều tàu khai thác cát trái phép. Ảnh: AT
Từ đầu năm đến nay, hoạt động khai thác cát trái phép (KTCTP) tuy từng bước được kiềm chế nhưng ở một số tuyến sông trong tỉnh có thời điểm còn diễn biến phức tạp. KTCTP đã làm sạt lở bờ sông, bãi sông, ảnh hưởng tới các công trình đê, kè, cống, sản xuất, đời sống của nhân dân, gây thất thu cho ngân sách nhà nước; làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 29-3-2016 về việc thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, xử lý hoạt động KTCTP tại một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 12-7-2016 về việc ban hành Đề án “Phòng chống KTCTP trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 6-9-2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án “Phòng chống KTCTP trên địa bàn tỉnh Hải Dương"... BCĐ phòng chống và xử lý khai thác cát lòng sông trái phép của tỉnh, các sở, ngành liên quan, BCĐ và đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã đã được bổ sung, kiện toàn và tích cực vào cuộc triển khai thực hiện Đề án “Phòng chống KTCTP trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Tại Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 12-7-2016, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả. Công an tỉnh - cơ quan thường trực của BCĐ tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng và công an các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình kiểm tra, xử lý, ngăn chặn việc KTCTP.
Thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm, UBND cấp huyện, UBND cấp xã cần tập trung thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với việc kiểm tra, xử lý hoạt động KTCTP, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hậu quả, tác hại của hoạt động KTCTP; chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình, điều tra, phát hiện, kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm hoạt động này.
Các thành viên BCĐ tỉnh triển khai thực hiện nghiêm nhiệm vụ đã được phân công và kế hoạch hoạt động; chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý hoạt động KTCTP và việc mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định tại một số điểm nóng về KTCTP trên địa bàn tỉnh. Các thành viên BCĐ thực hiện đề án khi tiếp nhận thông tin phản ánh về KTCTP báo ngay cho Phó Trưởng ban Thường trực - Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo bắt giữ, xử lý; đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, người dân có dấu hiệu vi phạm, bảo kê.
Các ngành, các cấp cần phối hợp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nhất là phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy để tăng cường tuần tra, kiểm tra các vị trí trọng điểm, tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể các phương tiện vận chuyển, khai thác cát có trên địa bàn, các bãi kinh doanh cát; kiên quyết đình chỉ các bãi hoạt động trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, giao thông đường thủy và thương mại; những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hoạt động KTCTP, hoạt động của các bãi chứa vật liệu xây dựng và hoạt động mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ cát; vận động các tổ chức, nhân dân tích cực phát hiện, ngăn chặn việc KTCTP, đặc biệt là nhân dân các địa phương ven các tuyến sông.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động KTCTP, hoạt động bến bãi và mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp. Ngoài các đối tượng khai thác cát cần tập trung kiểm tra các bãi chứa vật liệu xây dựng, các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ và các dự án, công trình sử dụng cát. Chấn chỉnh toàn bộ hoạt động của các bãi chứa cát trên địa bàn. Đối với những bãi phù hợp với quy hoạch, cần đôn đốc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, hoàn thiện đầy đủ thủ tục để cấp phép hoạt động; những bãi không được quy hoạch thì kiên quyết xử lý buộc dừng hoạt động và thông báo cho các địa phương, các chủ bãi biết để thực hiện.
VŨ NGỌC LONG, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Đối với hành vi khai thác cát trái phép: có thể áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định tại điều 37 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Đối với các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp: mỗi hành vi tùy theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khoản 19 điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ.
|