Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

17/09/2010 05:53

Đợt dịch lợn tai xanh vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa tiêm phòng vắc-xin theo quy định; không khoanh vùng, ngăn chặn kịp thời khi có dịch xảy ra...


Phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Trong đợt dịch tai xanh xảy ra vào tháng 3 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) bị thiệt hại 4 con lợn nái và 18 con lợn thịt, khoảng 50 kg/con. Lúc đầu lợn chỉ ốm, sốt, bỏ ăn, chị nghĩ lợn mắc bệnh thông thường nhưng chữa mãi không khỏi. Chị báo cơ quan chức năng và có kết luận đàn lợn bị dịch tai xanh. Chị Hiền cho biết, trong chăn nuôi chị không vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không lựa chọn kỹ con giống trước khi nuôi...

Gia đình ông Bùi Văn Nhiên ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) cũng bị tiêu hủy hơn 10 tấn lợn do dịch tai xanh. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, ông vẫn  để người lạ vào khu vực chăn nuôi. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây nhiễm bệnh trên đàn lợn của gia đình ông.

Theo ước tính, trong đợt dịch tai xanh toàn tỉnh có 20.858 con lợn mắc bệnh, chiếm 3,3% tổng số lợn trong tỉnh, trong đó có 12.467 con lợn được điều trị khỏi. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do vi-rút gây bệnh tồn lưu rộng rãi trong môi trường,  khi điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, ảnh hưởng đến sức đề kháng của lợn, dẫn đến nhiễm bệnh.

Hiện nay, điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều bất cập. Do chăn nuôi phân tán, gia trại, trang trại xen lẫn khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, môi trường bị ô nhiễm. Một số nơi còn buông lỏng công tác tiêm phòng và nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Kết quả tiêm phòng bắt buộc các loại vắc-xin theo quy định đạt tỷ lệ thấp, bình quân dưới 50%, có địa phương chỉ đạt 10 - 15%, không tiêm bổ sung cho đàn lợn mới nhập chuồng đã tạo điều kiện cho dịch bệnh kế phát xảy ra, trong khi đó dịch tai xanh chưa xác định được tuýp gây bệnh cụ thể, vắc- xin phòng bệnh tai xanh kém hiệu quả.

Nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, khi dịch bệnh xảy ra chậm khai báo, có biểu hiện giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn ốm, chết bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan nhanh chóng kéo dài.

Trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, một số địa phương còn chủ quan, lơ là, coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ của ngành chuyên môn. Mới chỉ có khoảng 75% các chợ trên địa bàn tỉnh được kiểm tra về công tác thú y, sản phẩm động vật.

Dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi của người dân: Tốn kém trong việc chạy chữa, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch nên giá bán những con lợn không bị bệnh cũng rất thấp...

Thời tiết vụ thu- đông có nhiều diễn biến phức tạp, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây nhiễm. Những tháng cuối năm tình hình vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ gia cầm diễn ra thường xuyên với số lượng lớn...

Để dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đối với những địa phương tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt thấp, nơi có ổ dịch cũ, nơi giáp ranh vùng có dịch cần đề phòng bệnh có thể lây nhiễm, nhất là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm, long móng, cúm gia cầm, bệnh tai xanh trên đàn lợn. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của dịch, Chi cục Thú y, Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán xác định rõ bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời  và hiệu quả, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Các hộ chăn nuôi cần thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2010, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%  số gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm, tạo miễn dịch khép kín, đồng thời thực hiện tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho đàn gia súc, gia cầm mới lớn, mới nhập đàn.

Thường xuyên tổ chức tiêu độc, phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường, thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm vận chuyển không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh Thú y như các quy định về phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát việc giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác thú y cơ sở...

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm