Để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong nghị quyết Trung ương 4, phải củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng ở chi bộ hiện nay.
Kỷ luật của Đảng là một vấn đề cực kỳ quan trọng bảo đảm cho Đảng thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động; bảo đảm cho Đảng tồn tại và phát triển, thực hiện tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và thực trạng việc chấp hành kỷ luật trong Đảng hiện nay, đòi hỏi phải củng cố, tăng cường kỷ luật của Đảng, trước hết là ở chi bộ. Bởi vì, chi bộ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ vững và tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên; là nơi quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; xem xét, xử lý, thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên..
Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) nêu lên 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong nghị quyết Trung ương 4, theo chúng tôi phải củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng ở chi bộ hiện nay. Do đó cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau đây:
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức về kỷ luật, chấp hành kỷ luật của Đảng cho chi bộ, chi ủy, đảng viên đi đôi với hoàn thiện các quy định trong Đảng và các tổ chức của hệ thống chính trị. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong củng cố, tăng cường kỷ luật của Đảng ở chi bộ. Do vậy, nội dung giáo dục cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung cụ thể của kỷ luật Đảng. Đặc biệt, cần triển khai nội dung chương VIII Điều lệ Đảng; hướng dẫn và các quy định của Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương Đảng về thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định của Bộ Chính trị. Từng chi ủy có quy chế sinh hoạt và hoạt động của chi bộ mình; từng tổ chức trong hệ thống chính trị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của mình để kịp thời có các văn bản, quy chế, quy định cụ thể thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, chi bộ phổ biến, quán triệt cho đảng viên nắm vững yêu cầu và nội dung, đồng thời tổ chức cho đảng viên chấp hành nghiêm các nội dung đó.
Hai là, duy trì nghiêm túc và có chất lượng các chế độ sinh hoạt, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, tăng cường quản lý đảng viên ở chi bộ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ được biểu hiện thông qua sinh hoạt; mọi đảng viên đều phải được đặt dưới sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ của chi bộ. Vì vậy, chi bộ cần duy trì có nền nếp các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Nội dung các buổi sinh hoạt phải cụ thể, ngắn gọn và thiết thực, có chất lượng cao. Muốn vậy, chi bộ phải nắm chắc đường lối, chính sách và nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn của địa phương và đơn vị mình để xác định nội dung phù hợp. Mỗi kỳ sinh hoạt nên chọn những vấn đề cần tập trung lãnh đạo ở địa phương, đơn vị để thảo luận và quyết định chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện. Trong sinh hoạt phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; làm rõ mạnh, yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của chi bộ, chi ủy và từng đảng viên. Cán bộ chủ trì phải tự giác, gương mẫu, trung thực trong tự phê bình, có thái độ cầu thị trong tiếp thu phê bình.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của đảng ủy cơ sở và sự giám sát, kiểm tra của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở. Đảng ủy và ủy ban kiểm tra Đảng thường xuyên nắm chắc hoạt động của chi bộ, có kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các chi ủy, chi bộ và đảng viên thuộc quyền nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, phòng ngừa vi phạm kỷ luật. Khi phát hiện vụ việc vi phạm hoặc khi có đơn thư tố cáo cán bộ, đảng viên sai phạm, phải kịp thời chỉ đạo chi bộ điều tra, xác minh; xem xét, xử lý, thi hành kỷ luật đảng viên đúng nguyên tắc, thủ tục, tránh nể nang, bao che hoặc để chậm trễ kéo dài…
Bốn là, Phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của quần chúng trong cơ quan, đơn vị và của nhân dân trong việc chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên. Hoạt động của cán bộ, đảng viên đều diễn ra trên địa bàn dân cư cụ thể. Vì thế, mọi ưu, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên đều không qua khỏi "tai mắt" quần chúng nhân dân. Để phát huy tốt vai trò quần chúng nhân dân trong giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên, đòi hỏi chi bộ phải lãnh đạo tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai hoá các chủ trương của tổ chức đảng và của chính quyền cơ sở; thực hiện đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đồng thời, cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp, phê bình của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong chi bộ.
TRẦN THÔNG