Tăng ca cuối năm: Không để doanh nghiệp trục lợi

10/01/2018 11:03

Cuối năm thường là dịp một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật hòng chiếm dụng sức lao động của công nhân bằng cách "ép" tăng ca.


Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền để công nhân hiểu đúng quy định về làm thêm giờ. Trong ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền tại Công ty TNHH Sản xuất giầy Chung JYE Việt Nam (Kim Thành)

“Trốn” tiền tăng ca

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tính lương cho người lao động (NLĐ) theo hình thức khoán sản phẩm. Cách tính này được pháp luật cho phép bởi nó có ưu điểm là kích thích NLĐ làm việc và tạo sự công bằng. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi doanh nghiệp đề ra mức khoán sản lượng phù hợp, NLĐ có thể hoàn thành trong số giờ làm việc trong ngày. Trong trường hợp NLĐ phải làm tăng ca mới đạt mức sản lượng khoán thì doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn. Vì khi đó NLĐ dù có làm thêm giờ thì doanh nghiệp vẫn không phải trả thêm tiền. Dịp cuối năm thường có nhiều đơn hàng phải xuất hoặc phải chuẩn bị hàng dự trữ cho khoảng thời gian công nhân nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng triệt để cách làm này nhằm đạt được sản lượng cao mà vẫn không tăng chi phí tiền công cho NLĐ. Cách lách luật này đã vắt kiệt sức của không ít lao động với tiền công không tương xứng.

Chị Phạm Thị Ánh ở xã Tân Hương (Ninh Giang) hiện đang làm cho một công ty may có chủ là người Trung Quốc ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Dịp cuối năm này, chị thường phải làm việc đến hơn 20 giờ mới được về. Tuy là tăng ca ngoài giờ hành chính nhưng chị Ánh cho biết tiền lương chị nhận được vẫn chỉ được tính theo đầu sản phẩm. Công nhân có thắc mắc với cán bộ quản lý thì nhận được câu trả lời là công ty không ép NLĐ ở lại làm thêm, nếu muốn NLĐ có thể về đúng giờ hành chính. "Vì vậy chúng tôi không thể về trong khi hàng ùn và thu nhập sẽ rất thấp. Nếu công nhân nào bức xúc xin nghỉ việc vào thời điểm này thì công ty cũng không giữ vì như thế họ đỡ mất một khoản thưởng Tết âm lịch", chị Ánh giải thích.

Một công ty may tư nhân ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng tính lương theo hình thức khoán sản phẩm. Dịp cuối năm, công ty hết sức tạo điều kiện cho công nhân làm thêm đến 21 giờ, đồng thời khuyến khích công nhân mang hàng về nhà làm trong ngày chủ nhật. Vì muốn có thêm thu nhập nên hầu hết công nhân đều chấp nhận làm thêm nhiều giờ trong ngày. Công nhân càng làm nhiều thì công ty càng có lợi vì không phải trả tiền tăng ca mà vẫn đẩy nhanh tiến độ công việc.

Vượt số giờ cho phép


Ngành may tăng ca nhiều dịp cuối năm

Theo Bộ luật Lao động 2012 thì những công nhân kể trên đang phải làm vượt thêm số giờ theo quy định rất nhiều. Việc lao động quá nhiều thời gian làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống nói chung của công nhân.

Cách đây hơn 1 tháng, công nhân Công ty TNHH GFT Việt Nam (ở xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ) tổ chức ngừng việc tập thể. Một trong những nội dung khiến NLĐ bức xúc là liên tục trong nhiều tuần liền phải làm thêm, thậm chí đến tận 21 giờ 30 mới được về. Trung bình một ngày, công nhân công ty này phải làm thêm không dưới 4 giờ. Nếu tính theo quy định chỉ được làm thêm không quá 30 giờ trong 1 tháng thì rõ ràng họ đang phải gồng mình làm vượt thời gian quá nhiều.

Việc pháp luật giới hạn số giờ làm thêm là nhằm giúp NLĐ có thời gian tái tạo sức lao động. Dù là công ty ép buộc tăng ca hay công nhân tình nguyện làm thêm nhưng nếu vượt quá số giờ quy định thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong tỉnh cần tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là trong dịp cuối năm này để chấn chỉnh tình trạng trên. Nếu do công nhân tự nguyện làm quá nhiều để có thu nhập cao thì công đoàn cơ sở cần tuyên truyền để họ nhận thức rõ những nguy hại khi làm vượt thời gian quy định. Công đoàn cơ sở cũng cần kiến nghị để chủ sử dụng lao động hỗ trợ thêm cho NLĐ làm ngoài giờ nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

NGỌC THANH

Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng ca cuối năm: Không để doanh nghiệp trục lợi