Tân Thủ tướng K.Mitsotakis với nhiệm vụ thay đổi Hy Lạp

09/07/2019 10:54

Ông Kyriakos Mitsotakis sẽ trở thành người lãnh đạo chính quyền mới của Hy Lạp để giải quyết các thách thức trong nhiệm kỳ 4 năm tới tại “Xứ sở thần thoại”.


Thủ tướng đắc cử Kyriakos Mitsotakis phát biểu tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau 2 chiến thắng liên tiếp trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và cuộc bầu cử địa phương tại Hy Lạp, Đảng đối lập Dân chủ mới (ND) theo đường lối bảo thủ của nhà lãnh đạo Kyriakos Mitsotakis tiếp tục giành chiến thắng trước Đảng cánh tả Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Với chiến thắng này, ông Mitsotakis sẽ trở thành người lãnh đạo chính quyền mới của Hy Lạp để giải quyết các thách thức trong nhiệm kỳ 4 năm tới tại “Xứ sở thần thoại”.

Chiến thắng liên tiếp

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, 44 tuổi, chính thức điều hành đất nước từ tháng 1.2015 và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 10 năm nay. Với mục tiêu kiên định là áp dụng đến cùng các chính sách khắc khổ, chính phủ của ông đã được nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua các gói cứu trợ tài chính sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Ba gói cứu trợ quốc tế trị giá 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) đã được triển khai tại Hy Lạp vào các năm 2010, 2012 và 2015. Tháng 8.2018, sau 8 năm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng," Hy Lạp đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, từng đẩy nước này tới bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua và trong 2 vòng bầu cử địa phương tại Hy Lạp hồi tháng 5 và tháng 6, Đảng đối lập Dân chủ mới đều giành chiến thắng trước Đảng cánh tả Syriza cầm quyền, buộc Thủ tướng Tsipras phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn này, khoảng 3 tháng trước khi nhiệm kỳ chính phủ hiện nay mãn nhiệm. Trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra trong tháng 5, Đảng ND đã chiến thắng tại 5 trong tổng số 13 khu vực, trong khi Đảng Syriza cầm quyền chỉ giành chiến thắng tại 1 khu vực. Trong cuộc bầu cử địa phương tại hầu hết khu vực và các thành phố chủ chốt Athens và Thessaloniki ngày 2.6, Đảng ND đối lập tại Hy Lạp đã giành chiến thắng tại 12 trong tổng số 13 khu vực. Còn trong cuộc bầu cử EP, tỷ lệ ủng hộ Đảng Syriza chưa tới 24%, trong khi Đảng ND nhận được hơn 33% số phiếu ủng hộ.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 7.7, Đảng ND đã giành được 39,84% phiếu bầu, chiếm đa số tại Quốc hội với 158 trên tổng số 300 ghế. Đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras đứng thứ hai với 31,54% phiếu, nhận 86 ghế. Tiếp theo là các Đảng Xã hội (KINAL) với 22 ghế, Đảng Cộng sản (KKE) với 15 ghế, Đảng Giải pháp quốc gia Hy Lạp có 10 ghế và Đảng Mera25 có 9 ghế.

Trong phát biểu mừng chiến thắng, lãnh đạo Đảng Dân chủ mới ở Hy Lạp, Thủ tướng đắc cử Kyriakos Mitsotakis cho biết ông đã nhận được sự ủy nhiệm mạnh mẽ của cử tri. Điều đó sẽ giúp ông “thay đổi đất nước Hy Lạp” và thực thi một chương trình giảm thuế, tạo công ăn việc làm và thu hút đầu tư. Ông Mitsotakis cũng đã gửi lời cám ơn tới cử tri, cam kết nỗ lực để vực dậy nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề sau một thập niên khủng hoảng, đồng thời tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho mọi công dân Hy Lạp, đặc biệt là những người trẻ, bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, có cơ hội để "thể hiện tiềm năng của họ".

Thủ tướng Alexis Tsipras của Đảng Syriza đã thừa nhận thất bại và đã gọi điện chúc mừng đối thủ. Trong khi đó, giới lãnh đạo châu Âu hoan nghênh và tin tưởng rằng, Thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Trong thư chúc mừng gửi ông Mitsotakis, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết hoàn toàn tin tưởng vào năng lực cá nhân của ông Mitsotakis và khả năng của người Hy Lạp để mở ra một chương mới tốt đẹp hơn. Chia sẻ trên Twitter, Cao ủy phụ trách kinh tế EU Pierre Moscovici cũng chúc ông Mitsotakis may mắn trong việc đưa nền kinh tế Hy Lạp trở lại trên đôi chân của mình.

Ông Mitsotakis đã tuyên thệ nhậm chức vào chiều 8.7 giờ địa phương (khoảng 17h giờ Hà Nội) và nội các mới được công bố ngay sau đó.

Nhiệm vụ khó khăn

Cuộc tổng tuyển cử lần này là cuộc bầu cử Quốc hội lần 6 tại Hy Lạp trong một thập kỷ qua và là lần đầu tiên cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu để bầu ra một chính phủ mới kể từ khi nước này thoát khỏi các gói cứu trợ tài chính của nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế vào tháng 8.2018.

Với chiến thắng thứ ba liên tiếp tại các cuộc bầu cử trong vòng 2 tháng qua, Đảng Dân chủ mới đã trở thành lực lượng chính trị số một tại Hy Lạp và với việc bảo đảm giành 158 ghế, chiếm đa số tuyệt đối, trong tổng số 300 của Quốc hội, đảng này đủ khả năng tự thành lập chính phủ và thực thi các chính sách riêng của mình. Cùng với đó, việc Thủ lĩnh Đảng Dân chủ mới Mitsotakis sẽ trở thành Thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ kết thúc nhiệm kỳ của ông Alexis Tsipras.

Ông Tsipras từng được ca ngợi như “người hùng” nhờ kéo Hy Lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, nhưng cũng phải nhận nhiều chỉ trích vì thực thi các biện pháp cải tổ và các chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắc nghiệt với người dân. Thất bại của Đảng Syriza cầm quyền được cho là hậu quả của "nhiều năm mệt mỏi" với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Liên minh châu Âu sau khi Hy Lạp bên bờ vực phá sản và gần như ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào lúc cao trào của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2015.

Thực tế cho thấy, để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính từ các chủ nợ, chính phủ của ông Tsipras trong những năm qua đã phải đưa ra quá nhiều nhượng bộ về mặt chính trị, như việc duy trì chính sách tài khoá khắc khổ và cắt giảm nhiều trợ cấp xã hội. Các chính sách này dù đã giúp Hy Lạp cải thiện được tình trạng của nền kinh tế và từ 2017 bắt đầu tăng trưởng lại, nhưng khiến đời sống người lao động vẫn rất khó khăn. Cùng với đó là tình trạng thất nghiệp cao ở mức 19%, và đặc biệt lên tới 40% trong số các lao động trẻ, cũng khiến uy tín của Đảng Syriza và cá nhân ông Tsipras bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, việc chính phủ Hy Lạp xử lý không tốt các cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như các vụ cháy rừng gần Thủ đô Athens của Hy Lạp vào tháng 7.2018 khiến 82 người thiệt mạng mà được cho là hành động phá rừng của những kẻ tội phạm cũng là các nguyên nhân hạ thấp uy tín của Đảng Syriza.

Chính vì vậy, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Mitsotakis, thủ lĩnh Đảng Dân chủ mới hứa hẹn, nếu lên nắm quyền sẽ giảm bớt gánh nặng thuế từ các chính sách khắc khổ và kích thích đầu tư tại Hy Lạp nhằm đạt tăng trưởng mạnh hơn.

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn tại Hy Lạp, tân Thủ tướng Mitsotakis sẽ phải đứng trước nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại cần giải quyết. Về kinh tế, Hy Lạp đã chấm dứt chương trình cứu trợ tài chính kéo dài 8 năm vào tháng 8.2018, nhưng Athens vẫn phải chịu kiểm soát từ các chủ nợ châu Âu, dù “dễ thở” hơn so với thời kỳ cứu trợ tài chính nhưng vẫn ngặt nghèo hơn so với các nước tiếp nhận các khoản vay cứu trợ khác. Trong khi đó, tỷ lệ nợ của Hy Lạp hiện đang ở mức 180% GDP vẫn là mức cao nhất châu Âu và đại diện các nước chủ nợ châu Âu của Hy Lạp cho biết họ sẽ đặc biệt chú ý đến những cách thức mà nước này thực hiện để giảm lượng nợ xấu khổng lồ. Hơn nữa, dù IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế với dự báo nền kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2019, tăng so với mức 2,1% trong năm 2018 nhưng Hy Lạp vẫn dễ bị ảnh hưởng trước việc kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, Hy Lạp cần phải thúc đẩy tiến trình cải cách, nhất là làm cho thị trường lao động của nước này trở nên linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội của các lao động trẻ dưới 30 tuổi có công việc toàn thời gian trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao 18% của Hy Lạp đã đặt ra nhiều lo ngại với chính phủ của tân Thủ tướng Mitsotakis. Và các biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế tại Hy Lạp trong thời kỳ hậu cứu trợ cũng cần sự giải quyết của chính phủ mới.

Về đối ngoại, vấn đề giải quyết tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đối thoại nhằm góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt đẹp và sự ổn định trong khu vực đã đặt ra các thách thức với chính phủ mới của Hy Lạp. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vốn căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, liên quan vấn đề đảo Cyprus với những mâu thuẫn giữa hai cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp, cũng như chủ quyền đối với không phận và lãnh hải ở Biển Aegean. Hy Lạp nhận chủ quyền đối với vùng biển và không phận gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ mà Athens cho là dựa trên các hiệp ước thời hậu chiến, điều mà Ankara luôn bác bỏ. Năm 1996, tranh chấp dai dẳng từng đẩy 2 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này đến bờ vực chiến tranh./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Thủ tướng K.Mitsotakis với nhiệm vụ thay đổi Hy Lạp