Tản mạn tháng ba

15/04/2014 11:11

Suốt ba tháng mùa xuân mưa dầm giá rét. Làng quê như chìm vào một khoảng không vô cùng yên tĩnh, tiếng chuông chùa ngân xa quyện vào chiều mờ sương khói, hương bưởi, hương xoan ngào ngạt bay xa, đằm thắm, mộng mơ giữa khoảng bao la ngất ngát của đất, của trời!

Nhớ lại những năm tháng tuổi ấu thơ. Tối học bài xong được chui vào cái ổ rơm, ôm mẹ, xuýt xoa vì rét, kéo mảnh chăn chiên, đắp thêm cái chiếu, hơi ấm của mẹ truyền sang che chở cuộc đời tôi đi suốt chặng đường dài…

Hết mùa xuân. Tháng ba, nắng mới dát vàng như dải lụa choàng lên vai thiếu nữ tuổi trăng tròn. Cái nắng đầu mùa bừng lên sau trận mưa rào đầu hạ, làng quê như được thay da đổi thịt. Gặp mưa, lúa đang thì con gái lên xanh mơn mởn: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Những đàn cò bay từ lũy tre làng lượn vòng nhịp nhàng như nốt nhạc trên cánh đồng lúa xanh bát ngát.
Sau mưa những con ễnh ương ngoài ruộng phình bụng, hai mắt tròn xoe, đồng loạt cất lên bản nhạc không lời, âm vang da diết vọng vào chiều một miền quê yên ả trong lành.

Những con ếch ngủ dài qua đông thức dậy kêu om oam. Tiếng ếch gọi nhau ra khỏi hang, gọi bạn tình, đón mùa giao hoan sinh nở, vừa âm vang rành rọt, nghe ấm áp, bâng khuâng, rất gần và xa vắng.

Sau trận mưa rào, cả làng đốt đuốc ra đồng soi ếch, ánh lửa chập chờn lấp loáng trong đêm, những con ếch dại khờ bị chui vào cái giỏ, giương đôi mắt nhìn thật tội nghiệp. Hôm sau nhà nào cũng có bữa ếch xáo chuối với lá lốt, tía tô thơm lừng.

Bố tôi là nhà giáo, không biết uống rượu, nhưng hôm nay ông bảo: Cả năm mong ngóng mãi trận mưa rào đầu mùa, được bữa ếch om chuối ngon tuyệt, con đi mua cho bố hào rượu. Tôi cầm cái nậm ngày xưa ông nội là nhà nho để lại, vừa đi, vừa chạy tung tăng vui lắm. Bây giờ nhớ lại, nuối tiếc ngày ấy đã quá xa xôi… mà tưởng như ông vẫn ngồi nhấm nháp cái sự đời nghèo khổ mà thấm đẫm tình người.

Làng tôi có ông lão Vọng quanh năm sống bằng nghề câu ếch và cá quả. Qua mùa xuân mưa phùn giá rét, tháng ba nắng ấm dần lên là ông bắt tay vào vụ, đi câu các ao trong làng, làng nhiều ao lắm, gần như nhà nào cũng có ao thả cá, thả bèo nuôi lợn.

Cái giỏ đeo bên hông cũ kỹ ánh lên màu vàng sậm, một cái cần câu dài và cuộn cước tròn như cái bánh xe, với món mồi rất đặc trưng giấu nghề, lão tung cuộn cước mềm một vòng đi rất xa, rử rử những con ếch đang ngồi thả hồn núp dưới bông hoa lục bình màu tím...

Bây giờ đất nước phát triển, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Hiện đại hóa nông thôn, quê hương cũng thay đổi rất nhiều, con người vươn lên làm giàu là điều tất yếu. Không còn những ngôi nhà lợp rạ ngày xưa, thay vào những con đường đất lầy lội là đường bê-tông lượn vòng từ đầu làng cuối xóm, những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng được mọc lên. Không còn những lũy tre làng gắn bó bao đời. Cũng không còn ao hồ hai bên đường vì đã bị lấp để lấy đất ở, để xây dựng quán bán hàng… Mỗi lần về quê tôi cứ thẫn thờ ngẩn ngơ như người mất hồn, tình người cũng không còn ấm áp như xưa.

Nhìn chung làng quê Việt Nam hôm nay, một làng quê mà nền nếp như đang mất dần đi những nét văn hóa xưa thật đậm đà bản sắc. Không còn nghe tiếng ếch om oam… không còn những tiếng chim ríu rít, tiếng cuốc gọi vào hè, tiếng ve sầu rả rích… Và tình cảm làng quê cũng vơi đi nét đằm thắm tình người, bởi họ cũng đang cuốn vào cơ chế thị trường hóa nông thôn.

Hôm nay giữa đô thị ồn ào hối hả. Viết lại những dòng này mà nước mắt rưng rưng. Một miền ký ức quê hương gọi về như một bức tranh quê huyền diệu đã xa vời. Bao kỷ niệm tuổi thơ mãi trôi vào dĩ vãng, thương nhớ quê hương đến nao lòng…

Tản văn củaNGUYỄN THỊ THÚY NGOAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tản mạn tháng ba