Tân Kỳ xây dựng nông thôn mới

11/05/2010 07:29

Xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) nổi tiếngvới "đại công trình thủy lợi" Bắc-Hưng-Hải thời kháng chiến chống Mỹ,cứu nước, giờ đây đang vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Giờ ra chơi ở trường tiểu học Tân Kỳ.

Diện mạo mới


Bí thư Ðảng ủy xã Tân Kỳ Trần Văn Biếc đưa chúng tôi đi trên những con đường lúa xanh mượt mà, qua các khu Tiền Tiến, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Việt Thắng, Hồng Quang... Ðây là những khu vực thực hiện tốt Ðề án cánh đồng thu nhập cao của xã với thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng một ha, mức thu nhập có thể gọi là mơ ước đối với hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp chứ không của riêng một xã thuần nông như Tân Kỳ.


Nhớ lại thời gian chừng năm năm trở về trước, khi những cánh đồng 50 triệu đồng/ha hiện nay còn sản xuất manh mún với những giống lúa cho năng suất thấp, chỉ đạt 30-40 tạ/ha. Cây vụ đông chủ yếu là ngô, khoai, giá trị không cao. Các đồng chí trong Ðảng ủy xã sau nhiều lần tổ chức "Hội nghị đầu bờ" đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó Ðề án xây dựng cánh đồng thu nhập cao là yếu tố then chốt. Từ đó, Ðảng bộ xã đã phát động toàn dân trong xã thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất trong giai đoạn 2006-2010. Những vùng sản xuất tập trung bảo đảm sử dụng một giống, một thời gian được sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến cho thấy hiệu quả là nguồn thu tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Riêng giống lúa lai mới đưa vào sản xuất đã đạt năng suất gần 70 tạ/ha/vụ, gấp đôi sản lượng thu được từ giống cũ. Bên cạnh đó, trên một số diện tích, vụ đông cũng được bà con tổ chức trồng hoa màu, rau an toàn mang lại thu nhập trung bình gần 50 triệu/đồng ha. Khoát tay về phía cánh đồng trải dài tít tắp, đồng chí Biếc cho biết:


- Nếu mà các anh đến Tân Kỳ vào ngày mùa sẽ được thấy bà con đi làm đông như hội. Trong những ngày đó, tất cả cán bộ, đảng viên đều tập trung chỉ đạo sản xuất. Các bộ phận khác như hợp tác xã nông nghiệp, điện-nước cũng trực tiếp tham gia bằng hoạt động hỗ trợ như vận hành máy, bảo đảm nguồn điện, nước cho sản xuất...


Nỗ lực của Tân Kỳ đã được gặt hái bằng những con số ấn tượng. Năm vừa qua, tổng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp của xã đạt gần 42 tỷ đồng, trung bình một ha đất nông nghiệp cho thu hơn 50 triệu đồng. Sản phẩm của những cánh đồng 50 triệu đồng ở Tân Kỳ bao gồm lúa lai, rau an toàn và hoa màu vụ đông chất lượng cao không chỉ được biết đến trên địa bàn tỉnh Hải Dương mà còn có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận.


Năm 2009, Tân Kỳ có 41 hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng từ cánh đồng thu nhập cao, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hộ nông dân có tổng tài sản trên 500 triệu đồng trở lên không phải là ít ở Tân Kỳ. Mười năm trước, đó là điều nhiều người chưa bao giờ dám nghĩ đến, thậm chí không tưởng tượng được tại sao người nông dân lại có thể thu nhập cao như vậy từ ruộng đồng. Kể lại chuyện mới ngày đầu trồng lúa lai, ông Vũ Ðình Áng, ở thôn Ngọc Lâm, một trong những người có thu nhập gần hai trăm triệu đồng/năm từ trồng lúa lai, cây vụ đông và chăn nuôi còn ngỡ ngàng:

- Ðúng là mười năm trước chúng tôi không dám nghĩ mình lại được như ngày nay nhưng năm năm trước thì đã nghĩ đến. Ðó là khi Ðảng ủy xã đề ra và ráo riết thực hiện Nghị quyết về đưa giống mới và tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đồng đất Tân Kỳ. Nông dân chúng tôi cứ thế làm theo và đời sống được cải thiện rõ rệt. Chưa bao giờ nông dân lại có cuộc sống khấm khá như ngày nay.

Trên con đường bê-tông sạch sẽ, chúng tôi vào thăm nhà ông Nguyễn Hữu Doan, ở thôn Nghi Khê, người làm giàu từ chăn nuôi và trồng cây vụ đông. Gia đình ông có cuộc sống không kém gì gia đình khá giả ở thành thị. Mừng hơn nữa, như ông nói, hầu hết các hộ đều chỉ mua sắm phương tiện, đồ dùng đắt tiền sau khi đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cả xã chỉ còn hơn hai mươi hộ nghèo, hầu hết là gia đình neo đơn. Số hộ có tài sản tính bằng trăm triệu đồng trở lên chiếm khoảng 70% tổng số dân. "Nếu cứ được mùa, được giá như hiện nay, chỉ dăm vụ nữa, người dân Tân Kỳ sẽ đều có cuộc sống no đủ, phồn vinh, đó sẽ là tiền đề cho chúng tôi xây dựng nông thôn mới",- Bí thư Trần Văn Biếc quả quyết. Niềm tin của đồng chí có cơ sở, điều đó đã phần nào được khẳng định trên thành công của ba đề án đã được xác định trong Nghị quyết phát triển kinh tế mà xã đã thực hiện. Ngoài cánh đồng thu nhập cao thì Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản cũng giúp hàng chục hộ có thu nhập đến 200 triệu đồng một năm; Ðề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã điện-nước sạch tạo hàng chục việc làm thường xuyên, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ðảng viên đi trước


Ðồng chí Bí thư Trần Văn Biếc khẳng định: Có được thành tích khả quan như ngày hôm nay, đó là nhờ Ðảng ủy Tân Kỳ đã biết phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Ở đây, ai cũng phải thông thạo nhiệm vụ của mình và của từng thành viên trong đơn vị mình. Có như vậy, mới phát huy được sức mạnh toàn dân để hoàn thành công việc. Người dân Tân Kỳ vẫn còn nhớ như in công cuộc "trị thủy" của xã năm 2008, sức mạnh toàn dân đã chống úng, cứu ngập thành công toàn bộ cánh đồng thu nhập cao; hay như việc chống hạn vụ lúa đông-xuân năm 2007. Những lần đó, tất cả đảng viên, cán bộ xã, thôn thay nhau có mặt 24/24 giờ trên cánh đồng, túc trực bên máy bơm, quần không lúc nào buông dưới gối và bữa cơm ăn vội sấp ngửa cùng những bàn chân rửa vội chưa khô bùn đất. "Có như thế, bà con mới tin, mới nghe theo chứ, nông thôn mới mà, chẳng ai nghe kẻ đứng chỉ tay năm ngón trên bờ nữa đâu", - vừa xắn quần lội xuống con mương vớt nhánh cây có trứng ốc bươu vàng, đồng chí Biếc vừa nói như tự sự. Ðâu chỉ có nói suông, ở Tân Kỳ, trước khi triển khai bất cứ việc gì xuống dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều xung phong thực hiện trước, để thử nghiệm và cũng là để làm gương cho nhân dân.


Ít có nơi nào thành lập được và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả song song hai hợp tác xã (HTX) là HTX dịch vụ Nông nghiệp; HTX Ðiện-nước sạch và Quỹ tín dụng nhân dân như ở đây. Mục tiêu ban đầu của hai HTX để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng vài năm gần đây do tổ chức tốt, ký thêm được một số hợp đồng như diệt chuột, dịch vụ thú y, cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, tổ chức đầu ra cho sản phẩm... cho nên có thêm thu nhập. Mỗi năm, hai HTX và Quỹ tín dụng đóng góp hàng chục triệu đồng cho các quỹ phúc lợi xã hội, khen thưởng, biểu dương người tốt, học sinh giỏi...


Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp. "Thi đua là để làm tốt hơn chứ không phải để giành giải thưởng", cô giáo Ðặng Thị Khánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Kỳ cho biết. Ðây là đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành giáo dục Hải Dương nhiều năm liền, đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu trường chuẩn 2 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Những câu chuyện về Bác Hồ quan tâm đến giáo dục là tấm gương cho nhà trường xây dựng mô hình trường học an toàn, lớp học thân thiện và đẩy mạnh phối hợp với gia đình học sinh cùng dạy và học... Cũng phải nói thêm về sự quan tâm của người dân Tân Kỳ với việc học của con em mình. Ngoài Hội khuyến học xã, mỗi dòng họ đều lập ban khuyến học, có quy chế, kinh phí hoạt động thường xuyên biểu dương, khen thưởng các cháu có thành tích tốt. Phong trào khuyến học và hiếu học ở Tân Kỳ là một trong những điểm sáng của tỉnh, trong đó nổi bật các dòng họ Phạm Trọng, Nguyễn Hữu, Ðinh Văn, Phạm Văn có nhiều con em đỗ đạt, học cao. Những phong trào thi đua làm theo gương Bác trong nhân dân Tân Kỳ còn xuất hiện nhiều trong lao động sản xuất, trong hoạt động xã hội, trong thực hành nếp sống mới, xây dựng và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa-sức khỏe với gần 95% tổng số dân...

Ðến Tân Kỳ hôm nay, bóng dáng một "nông thôn mới" thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH trên vùng đất thuần nông này đã hiện lên với những đường nét chủ đạo, tươi mới và phồn vinh.

(Theo Nhân Dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Kỳ xây dựng nông thôn mới