Còn nhớ mùa hè năm 1994, lần đầu tiên tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát ở biển, vốn là người nhà quê mặc dù đã đi đây đi đó nhiều nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy biển nên tôi phấn khích vô cùng. Ngồi trên ca nô lướt sóng tìm cảm giác mạnh hoặc tư lự ngồi một mình nhìn những con sóng vỗ ào ào dội vào những tảng đá lởm chởm ven bờ làm bọt biển tung trắng xóa lòng tôi chợt nghĩ miên man về sự nhỏ nhoi của con người trước cái bao la vĩ đại của đại dương và trong lòng cứ ngân nga câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương viết về biển: "Biết nói gì trước biển em ơi!/Trước cái xanh thanh khiết không lời/Cái hào hiệp ngang tàng của gió/Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ". Chiều chiều tôi tha thẩn dọc theo bờ cát trắng ngắm nhìn từng cặp tình nhân , từng đoàn người lớn bé, già trẻ hớn hở dắt nhau xuống tắm. Những chiếc phao dập dềnh theo từng con sóng đu đưa. Còn trên bãi cát ven bờ, không biết tự bao giờ những trò chơi trong các kỳ tắm biển luôn hấp dẫn mọi lứa tuổi, đó là những cặp nam thanh nữ tú và cả những cô cậu học sinh phổ thông say mê đắp những lâu đài cát, những hình trái tim, viết tên mình, tên bạn bè, người thân yêu bằng cát để rồi những con sóng lớn ào đến xóa sạch. Họ hồn nhiên cười đùa, gọi tên nhau trong nắng gió của kỳ nghỉ đầy kỷ niệm…
Sau này trong cuộc đời công tác, tôi đã được đi nhiều vùng miền của đất nước, ngắm vẻ đẹp hùng vĩ, bao la, thậm chí nếm thử mùi vị nước biển của từng vùng đất và trong đầu luôn liên tưởng, so sánh pha chút ghen tỵ với những cư dân nơi đây. Họ quả thật hạnh phúc. Những người dân biển có thân hình chắc nịch, nước da bánh mật dong buồm ra khơi xa, sau những ngày đêm bám biển đánh bắt cá xa bờ, từ tờ mờ sáng khi ánh bình minh của ngày mới bắt đầu, những đoàn thuyền nặng trĩu tôm cá trở về. Trên bờ vợ con, người thân đứng đợi và kéo thuyền, thu gọn chài lưới và đón nhận những mẻ tôm cá, sản vật từ biển để cung cấp cho thị trường… Cứ mỗi lần đến với biển, lòng tôi trào dâng cảm xúc. Tôi làm sao quên được những đêm trăng Cửa Lò, dưới hàng phi lao vi vút, sóng gió miền Trung như hòa quyện với những nghị lực phi thường của người dân xứ Nghệ. Để rồi từ những giọt mồ hôi mặn mòi nơi biển cả đã nuôi dưỡng biết bao con người ưu tú cho quê hương, đất nước. Tôi làm sao quên được hình ảnh đẹp như trong mơ của bãi biển Khánh Hòa: trải dài vài chục km bãi cát phẳng lỳ, nước biển trong xanh ngày ngày thu hút hàng vạn du khách đến nghỉ dưỡng, khám phá vẻ đẹp mê hồn của mảnh đất này. Nhưng bất kỳ du khách nào đến Nha Trang, ngoài chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp thơ mộng , kỳ vỹ của các khu du lịch như Vinpearl Land, vịnh Nha Phu… thì họ không bao giờ quên được bức tượng Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc thế kỷ XI nhìn ra biển. Dưới chân bức tượng khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” để khẳng định một chân lý ngàn đời và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Bất cứ du khách nào đến Nha Trang cũng muốn một lần chụp ảnh dưới chân bức tượng làm kỷ niệm và đọc bài Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc với niềm thích thú, tự hào.
Cứ mỗi lần đến với biển lòng tôi lại trào dâng cảm xúc, biển của ta tươi đẹp biết bao nhiêu thì tham vọng của kẻ thù lớn bấy nhiêu. Nhưng nhìn những hình ảnh từng đoàn tàu, từng đoàn thuyền đánh cá bất chấp mọi mưu toan, đe dọa của kẻ thù vẫn ngày đêm bám biển và những người lính đang chắc tay súng từng ngày, tôi thấy an lòng. Các anh ơi, những người con ưu tú của quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió hãy chắc tay súng, có chúng tôi đây, những người hậu phương ngày đêm dõi theo, chia sẻ, bên cạnh các anh để từng vùng đất, vùng trời, vùng biển Tổ quốc mãi mãi trường tồn...
Tản văn của NGUYỄN VIẾT HIỆN