Tầm nhìn APEC hướng tới các mục tiêu Bogor vào năm 2020

11/11/2017 20:26

Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vừa kết thúc tốt đẹp tại TP Đà Nẵng.


Toàn cảnh phiên bế mạc

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo quốc tế, thông báo kết quả Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào chiều ngày 11.11. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Tạo động lực mới vun đắp tương lai chung

Hội nghị cấp cao lần thứ 25 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 25) diễn ra ngày 11.11 tại Đà Nẵng, Việt Nam là sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC (từ ngày 6 - 11.11).

Với chủ đề: “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”, tại hội nghị cấp cao APEC 25, các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng khách mời là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, đã cùng nhau bàn thảo những vấn đề quan trọng trong 2 phiên họp kín mang chủ đề lần lượt là “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững” và “Các động lực mới cho thương mại, đầu tư và liên kết khu vực”.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại phiên bế mạc

Sau một thời gian làm việc hiệu quả, hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới vun đắp tương lai chung. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC và Năm APEC 2017, với 5 nội dung chính gồm:

Thứ nhất, thông qua Kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia tay Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau phiên bế mạc

Nhận thức sâu sắc về điều đó, hội nghị đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong Khuôn khổ được cho là không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững.

Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này được cho là sẽ góp phần củng cố vai trò của Diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và đi đầu với các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Thứ tư, thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).


Tổng thống Indonesia Joko Wikodo tại phiên bế mạc

Hội nghị nhấn mạnh, vai trò của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên hợp tác tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm. Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và Bộ kinh nghiệm điển hình APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư. Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020.

Đó là một Diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó, người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm.

Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị cấp cao APEC lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu rộng và có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.

Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong suốt năm qua, các bộ trưởng, quan chức cấp cao APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, hướng tới chuẩn bị tốt nhất các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Các hoạt động nổi bật trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua, nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức như Hội nghị tổng kết Các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh (VBS), Cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế (AMM), Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit)…, trong đó nổi bật có: - Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC): Tham dự cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng 63 đại diện ABAC là các doanh nghiệp trong khu vực APEC.

Tại đây, các nhà kinh tế APEC và các đại diện ABAC đã làm sáng tỏ hơn chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác của chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu; tích cực đóng góp để APEC trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân. - Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29:

Trong khuôn khổ cấp cao APEC lần này cũng đã diễn ra hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29. Hội nghị hoan nghênh việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là một dấu ấn của hợp tác APEC 2017 nhằm chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Hội nghị cũng thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020, Chương trình hành động về phát triển nông thôn-đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

- Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN: Nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, trong dịp này, Việt Nam đã tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á-Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN. Cuộc Đối thoại giữa APEC và ASEAN được tổ chức với mục tiêu tạo động lực mới cho hợp tác, liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực đang ở trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng.

Bên cạnh những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại, các rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn, dài hạn, khu vực châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện những xu hướng tích cực và những vận hội lớn, trong đó có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với những thành công của APEC và ASEAN trong nhiều thập niên qua trong thúc đẩy hội nhập, liên kết khu vực, cả hai Diễn đàn đều được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

- Nhất trí thúc đẩy TPP-11: Bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, ngày 11-11, các Bộ trưởng Thương mại 11 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã họp không chính thức và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về những nội dung lớn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái, hàng sau) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, hàng sau) chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo APEC tại Đà Nẵng ngày 11.11

Theo đó, các bộ trưởng thống nhất đạt được Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thay thế cho TPP. Trong một tuyên bố chung, 11 nước tham gia ký kết TPP (ngoại trừ Mỹ) đã nhất trí về những "yếu tố cốt lõi" của một thỏa thuận.

Tuyên bố chung đánh dấu sự thành công của công tác đàm phán tại Việt Nam. TPP được ký kết tháng 2-2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương. Mặc dù vậy, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán.

Nhiều nhà phân tích hy vọng CPTPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc. Có thể nói, qua các hoạt động của Năm APEC 2017 đã cho thấy vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cho thấy những đóng góp của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.

TTXVN

(0) Bình luận
Tầm nhìn APEC hướng tới các mục tiêu Bogor vào năm 2020