Tấm lòng của một người mẹ

11/03/2014 09:09

Bất hạnh, khó khăn nhưng chị Lương Thị Quế ở khu 7, phường Quang Trung (TP Hải Dương) vẫn kiên cường vượt lên tất cả.




Chị Quế chăm sóc con nuôi bằng tất cả tình yêu của người mẹ


Ở khu 7, phường Quang Trung (TP Hải Dương) hầu như ai cũng biết câu chuyện đời của chị Lương Thị Quế. Cuộc đời chị là một chuỗi những bất hạnh. Thế nhưng, chị vẫn kiên cường vượt lên tất cả.

Cuộc đời nhiều bất hạnh

Chúng tôi tìm gặp chị vào một buổi chiều lất phất mưa phùn. Chị Quế đang ngồi co ro bên sạp hàng đơn sơ ở ngay cổng chợ An Ninh (TP Hải Dương). Sạp hàng của chị chỉ có mấy quả dừa và một ít trứng gà, trứng vịt. Từ nhiều năm nay, đây là nguồn sống của cả gia đình chị. Khách đến mua hàng khá đông, phần vì thương cảm cho hoàn cảnh cơ cực của gia đình chị, phần vì yêu mến cô bán hàng hiền hậu. Nhiều người khách quen của chị bảo: “Cô Quế hiền lành như thế mà cuộc đời sao khổ quá!”.

Chị Quế lập gia đình với anh Trần Thế Dũng từ năm 25 tuổi. Thế nhưng, hạnh phúc đã không mỉm cười với chị bởi chị không có khả năng làm mẹ. 10 năm chung sống nhưng không có con, chị đau đớn khi mỗi ngày phải sống trong ngôi nhà vắng tiếng trẻ thơ. Năm 2003, một buổi tối, hai vợ chồng chị nghe bà con trong xóm kể chuyện về một đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường Quang Trung. Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng hai vợ chồng chị đã đến nhận bé gái còn đỏ hỏn về nuôi. Chưa từng làm mẹ lại chăm sóc đứa trẻ còn quá nhỏ nên những ngày đầu là những ngày rất vất vả. Nhưng đối với chị, đó cũng là những ngày tháng ngập tràn niềm hạnh phúc. Chị đặt tên cho con là Trần Quế Hằng, lấy tên mình làm tên đệm cho con như để gửi gắm vào đó tình cảm thiêng liêng nhất của người mẹ. Anh chị chăm sóc bé Hằng với niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nhìn con khôn lớn từng ngày anh chị cảm thấy sự mất mát của mình đã được bù đắp. Chị nhớ lại: “Hồi còn nhỏ, bé Hằng xinh xắn, ngoan ngoãn và rất thông minh. Hai vợ chồng tôi yêu thương cháu chẳng khác gì con đẻ của mình. Mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy con đi học, thấy con chơi đùa là hai vợ chồng tôi thấy không còn điều gì hạnh phúc hơn”. Thế nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì những bất hạnh cứ liên tiếp kéo đến. Năm 2007, anh Dũng chồng chị bị tai nạn giao thông dẫn đến mất sức lao động, thần kinh bị ảnh hưởng. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai chị. Không chỉ như vậy, mỗi lần trái gió trở trời là mỗi lần chị nhận được từ chồng những trận đòn vô cớ. Hai năm sau, khi bé Hằng được 6 tuổi thì sóng gió lại ập xuống gia đình nhỏ bé. Sau một cơn sốt co giật, bé Hằng được chẩn đoán bị viêm màng não. Từ một cô bé thông minh, lanh lợi, bé Hằng không nói được và hoàn toàn mất đi ý thức.

Chưa bao giờ mất niềm tin

Ngôi nhà nhỏ bé của vợ chồng chị nằm trong ngõ, ngách sâu hun hút. Con ngách dẫn vào nhà chị Quế chỉ vừa đủ chỗ cho một chiếc xe máy lách vào. Ngôi nhà mái ngói tiêu điều đã xây dựng cách đây 25 năm. Hai cánh cửa gỗ đã mục nát hầu như lúc nào cũng đóng kín. Từ khi con bị bệnh, chị phải đón mẹ ở quê ra trông cháu để hai vợ chồng yên tâm đi làm. Mỗi lần ra khỏi nhà, anh chị phải trói chân con lại và chốt cửa ngoài để con không đi lang thang. Mỗi lần trói con lại là mỗi lần chị không cầm được nước mắt.

Sau khi chồng bị tai nạn, chị kiên trì đưa anh đi chữa trị. Bốn  năm sau, anh Dũng chồng chị đã dần bình phục. Tuy không thể làm được những công việc nặng nhọc nhưng anh cũng đã xin vào làm bảo vệ với mức lương 2 triệu đồng/tháng để đỡ đần cho vợ.  Sáng sáng, một mình chị mang hàng ra chợ bán, tối đến lại cặm cụi dọn hàng về. Cuộc sống của chị quẩn quanh với việc mưu sinh, trông nom mẹ già hơn 90 tuổi và chăm sóc con bệnh tật. 7 giờ sáng chị dọn hàng bán ngoài chợ, 8 giờ về cho con ăn, 10 giờ về nấu cơm, dọn dẹp đến 3 giờ lại đi chợ đến tối mịt mới về. Trước hoàn cảnh cơ cực của chị Quế, nhiều người gợi ý chị đưa con vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng chị không đồng ý. Mỗi lần như vậy chị càng thương con hơn. Chị nghẹn ngào: “Bé Hằng là đứa trẻ bất hạnh, khi mới ra đời đã bị bố mẹ bỏ rơi. Tôi đã nhận con về thì tôi là người mẹ thứ hai của nó. Có lòng nào tôi lại bỏ rơi con, để con bơ vơ một lần nữa. Chỉ cần bác sĩ bảo còn điều trị được thì tôi sẽ điều trị cho con đến cùng”.

Suốt 6 năm điều trị cho con, chưa bao giờ chị mất niềm tin. Mọi việc từ cho con ăn đến tắm giặt, vệ sinh cho con đều một tay chị chăm lo. Thương con không được vui chơi như bạn bè, những ngày nắng ráo, ấm áp, chị tạm nghỉ bán hàng để dẫn con đi dạo phố. Hai tháng chị Quế lại đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương một lần, mỗi lần điều trị mất 5 - 6 triệu đồng. Hiện nay, bé Hằng được trợ cấp 450 nghìn đồng/tháng. Thu nhập của anh chị mỗi tháng cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng nên để có tiền chữa trị cho con, vợ chồng chị phải chắt chiu, dành dụm, thậm chí vay mượn khắp mọi nơi. Bằng sự nhạy cảm của người mẹ, chị cảm nhận được sự tiến triển dù là rất nhỏ của con. Vừa nựng nịu cho con ăn, chị vừa kể: “Bé Hằng lúc trước hoàn toàn không biết gì, giờ đã biết nghe bố mẹ gọi, biết tự chơi một mình. Dù tình hình bệnh tật của con tiến triển rất chậm nhưng chỉ cần còn một tia hy vọng, tôi vẫn sẽ cố gắng. Mong ước duy nhất của tôi lúc này là con hoàn toàn khỏi bệnh để lại được đến trường như những đứa trẻ khác”.

Tình yêu thương dành cho chồng con chính là động lực để chị vượt lên tất cả. Mong muốn lớn nhất của chị là giành lại cho bé Hằng một cuộc sống bình thường.

KHÁNH CHI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm lòng của một người mẹ