Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người rất mực khiêm tốn, giản dị, rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào, là một người chồng, người cha mẫu mực.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với các con Tường Vân (bên trái) và Việt Liên (năm 1956)
Mặc dù đã giữ trọng trách của đất nước, nhưng trong cuộc sống và sinh hoạt đời thường, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người rất mực khiêm tốn, giản dị, rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào, là một người chồng, người cha mẫu mực.
Trong những năm đất nước còn khó khăn, chính quyền cách mạng còn non trẻ, là người có năng lực hoạt động thực tiễn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa ra nhiều sáng kiến huy động tài chính trong nhân dân, trong đó việc vận động nhân dân mua ủng hộ tín phiếu Việt Minh đã thu được nhiều kết quả. Nhờ vậy, Đảng ta có điều kiện tài chính để sắm trang thiết bị in ấn, mua vũ khí và các phương tiện hoạt động, góp phần thiết thực vào công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau đó, với cương vị phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, để phục vụ kháng chiến lâu dài, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tìm cách tổ chức đưa hàng từ Hà Giang, Yên Bái về Hà Nội bán lấy tiền để mua sắm vũ khí, in báo…; tổ chức một số cơ sở kinh doanh như hãng Sao Đỏ, Công ty Nam Phát, làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa ở trong nước, tổ chức vận tải đường thủy, đường bộ, xuất nhập khẩu… Nhờ đó khi rời Hà Nội lên chiến khu, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương đã có một số thiết bị với một đội ngũ cán bộ, công nhân khá đông đảo…
Mặc dù đã giữ trọng trách của đất nước, nhưng trong cuộc sống và sinh hoạt đời thường, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người rất mực khiêm tốn, giản dị, rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào, là một người chồng, người cha mẫu mực.
"Lúc bấy giờ là sau năm 1968. Đến những năm 1969, 1970 đều có lệnh tổng động viên. Ba tôi không có con trai. Và ba vẫn bảo rằng ba không nghèo, là bởi "tứ nữ bất bần" mà…". Con gái của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã bắt đầu câu chuyện về ba mình như thế. Nhà toàn con gái nhưng ba vẫn rất muốn có một đứa con đi theo binh nghiệp. Khi ấy, Tường Vân vừa tròn 18 tuổi, là con cả trong nhà nên đương nhiên được gửi gắm ước nguyện của ba.
Đến năm 1973, bắt đầu có Ban Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thế rồi ba lại có nguyện vọng là thôi, ở bộ đội mà sức khỏe yếu như thế, lại ở môi trường ấy, thức đêm trực hôm thì người ta lại phải gánh việc cho. Chuyển về Bảo tàng là vừa sức con gái, không ai phải gánh phần việc của mình cả, lại bắt đầu từ đầu với những công việc từ đơn giản nhất như lau chùi hiện vật… "Lần đầu tiên con gái ý thức được sự khiêm nhường của ba là như thế. Ba không muốn người khác phải gánh việc cho con mình, cho dù đó có là con của Phó Chủ tịch nước", chị Tường Vân hồi tưởng.
Đến tháng 5-1973, Bảo tàng bắt đầu mở cửa cho những đoàn khách đầu tiên vào thăm, chủ yếu là các đoàn lão thành cách mạng và cán bộ, nhân dân miền Nam ra công tác. Thông thường đi làm, Tường Vân vẫn mặc bộ kaki bộ đội với chiếc xe đạp Thống Nhất, còn nhớ biển đăng ký số 6315, là tiêu chuẩn của mẹ Trinh mua cho (bà Hà Thục Trinh - phu nhân đồng chí Nguyễn Lương Bằng). Một hôm, có lịch tiếp dẫn đoàn, Tường Vân ăn diện hơn mọi lần. Gọi là diện hơn thì cũng chỉ là một chiếc sơ mi trắng thay cho chiếc áo kaki bộ đội đã bạc vai mọi lần thôi.
"Hồi ấy nhà tôi vẫn ở số 5 phố Thiền Quang. Phòng làm việc của ba ở ngay dưới tầng 1. Tôi mặc chiếc sơ mi trắng đi ngang qua, thấy vậy ba mở hé cửa và nói: Con vào đây ba bảo. Lúc ấy đã hơn một giờ, sắp vào ca chiều, nhưng ba đã nói thế, tôi phải vào. Thì ra ba tôi hỏi hôm nay đi đâu mà mặc diện thế này? Sau khi biết lý do, ba bảo tôi: Đã gọi là bộ chuyên dùng đón khách, thì để đến lúc đón khách hãy thay vào. Mặc diện từ nhà thế này, đi đến cơ quan là không tiện đâu con ạ!".
Chị Tường Vân bảo, lúc ấy con gái cũng có tí phụng phịu, phần vì sắp muộn giờ làm. Ở nhà, tuy ba không bao giờ to tiếng với các con, nhưng một khi ba đã có ý kiến là các con phải tuyệt đối vâng theo. Có được nền nếp gia đình như thế, ấy là nhờ vào sự dạy dỗ chu đáo của mẹ Trinh. Tất nhiên, ba là trụ cột gia đình. Nhưng để mọi sự bày dạy đi vào chi tiết, chính là nhờ vào mẹ. Vì thế chị em trong nhà, tuy rằng toàn con gái, cũng chẳng to tiếng với nhau bao giờ.
Về sau này, nghĩ đến sự dạy dỗ của ba, chị Tường Vân càng cảm thấy thật thấm thía. Ngay từ những việc lớn như lựa chọn công việc, sợ con sức yếu không gánh vác được công việc, e người khác phải làm hộ cho đến không muốn con quá nổi bật trước đám đông đều thấm đượm "tinh thần cộng sản mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" - lời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng nhận xét về ông. Chiếc áo ấy, đến giờ chị Vân vẫn giữ làm kỷ niệm. "Hàm ý của ba còn muốn dạy các con rằng phàm cái gì phải được đưa vào đúng chức năng, phận sự của nó. Áo để tiếp khách thì phải giữ, chỉ lúc tiếp khách mới dùng mới thật sự có ý nghĩa. Cách suy nghĩ đó đã ăn sâu vào con người cộng sản như ba, để rồi thể hiện trong từng hành động, ứng xử xuyên suốt cả cuộc đời ba", chị Tường Vân nói.
Nhắc lại thời điểm bà Hà Thục Trinh thực hiện di nguyện của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, viết thư đề nghị trả biệt thự số 5 Thiền Quang và đề nghị không lấy tên ông đặt tên đường, có nhiều người không hiểu, nhưng con cái trong nhà không ai là không tôn trọng quyết định ấy. Chuyện mẹ thực hiện di nguyện của ba, cương quyết trả nhà để "đất nước còn đang khó khăn, thiếu thốn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ" và theo mong muốn của ba là biệt thự ấy "nếu có cho nước ngoài thuê mỗi năm Nhà nước cũng thu cả tỷ đồng", chị Tường Vân bảo cũng đã được đề cập.
Có tờ báo còn phỏng vấn bà Hà Thục Trinh khi bà còn sống về việc trả nhà. Theo đó, biệt thự số 5 Thiền Quang là một trong 9 ngôi nhà được mua để phục vụ hoạt động cách mạng. Biệt thự mua khi ấy phải nhờ ông bà chủ hiệu thuốc lào Giang Ký đứng tên trước bạ để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bà Giang Ký bám trụ lại Thủ đô, giữ nguyên vẹn ngôi nhà. Hòa bình lập lại, ông bà Giang Ký đã mang toàn bộ tiền, biên lai thuế và giấy tờ trước bạ của biệt thự ấy bàn giao lại cho Đảng, Nhà nước… Chỉ có điều, bài báo ấy lại nhầm rằng đó là chủ ý của bà sau khi ông mất. "Thực ra, việc trả nhà là của hai ông bà đã bàn với nhau từ trước. Bà sau này chỉ là người thực hiện. Điều này chính mẹ Trinh đã nói với chúng tôi" - chị Tường Vân thuật lại.
Sinh thời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất thích hai môn thể thao là chèo thuyền và đi dạo, cũng là thói quen tốt rèn luyện sức khỏe. Nhưng từ khi giữ cương vị cấp cao của Đảng, Nhà nước, ông đã thôi việc ấy bởi "không muốn làm phiền quá nhiều người". Tường Vân đã từng bị phê bình về việc này nên nhớ lắm. Ấy là bởi có lần, thấy ba chuẩn bị đi dạo, con gái lớn (lúc ấy mới chỉ 15 - 16) bèn đòi đi theo. "Ba bảo tôi: muốn đi cùng thì khe khẽ cái chân thôi, đừng để cho các chú bảo vệ biết… Ai dè lúc về, tôi bị các cô chú bảo vệ mắng cho một trận vì biết ba đi mà không báo cho các chú để đi theo làm nhiệm vụ. Nhỡ có chuyện gì thì sao? Cũng chính vì không muốn vất vả thêm cho các chú bảo vệ mà ba tôi đã từ bỏ thói quen ấy".
Có điều ít người biết là lúc sinh thời, trong nhà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng không lập bàn thờ, mặc dù ông là con trai duy nhất trong gia đình toàn các chị gái. Điều này cũng có lần chị Tường Vân và các chị em đã thắc mắc với ba, thì ông trả lời rằng vì xa quê đã lâu (rời quê hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi) nên không lập bàn thờ. Sau này, khi ông mất, bà Trinh cũng tuân theo di nguyện, không lập bàn thờ ông. Khách có muốn đến nhà thắp hương cho ông, cũng chỉ thấy có một tấm ảnh đóng khung ngay ngắn trên tủ sách. Mãi cho đến khi bà Hà Thục Trinh mất, các con mới lập ban thờ, “rước” cả 2 ông bà lên…
Bây giờ, chăm lo việc gia tiên và cũng là chốn tụ về của cả gia đình tại căn nhà rất bình dị ở phố Đội Cấn - được Đảng và Nhà nước bố trí cho gia đình bà Hà Thục Trinh sau khi tiếp nhận biệt thự số 5 Thiền Quang - giao cho cô con gái út. Cứ mỗi dịp giỗ chạp hay Tết đến là con cháu trong gia đình, dù có đi đâu, cũng về đấy, quây quần và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm gia đình hết sức đầm ấm. Con cháu mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau nhưng mỗi khi tụ họp đều nhắc nhau tự hào về truyền thống gia đình, về tấm gương mẫu mực của các bậc tiền nhân.
VIỆT BA