Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa yêu cầu tạm dừng cấp giấy phép cho lao động Trung Quốc vào làm việc tại Việt Nam
Bộ LĐTBXH yêu cầu tạm dừng cấp phép cho lao động Trung Quốc vào Việt Nam làm việc
Trước diễn biến phức tạp của dịch virus Conora, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa yêu cầu tạm dừng cấp giấy phép cho lao động Trung Quốc vào làm việc tại Việt Nam, đồng thời khuyến cáo lao động nước này về quê dịp Tết không nên quay trở lại Việt Nam hoặc quay trở lại phải cách ly 14 ngày theo quy định của ngành y tế.
Tại cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona của Bộ LĐTBXH vừa diễn ra, lãnh đạo Cục Việc làm cho biết, hiện lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có khoảng 90.000 người, trong đó lao động Trung Quốc có hơn 29.035 người, chiếm 31,73% tổng số lao động nước ngoài ở Việt Nam.
Dịp Tết vừa qua, phần lớn lao động Trung Quốc ở lại Việt Nam, chỉ một số địa phương có người Trung Quốc về nước ăn Tết, sau đó quay trở lại như Quảng Ninh có 750 người, các huyện biên giới có khoảng 1.700 lao động.
Để hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh, Thứ trưởng LĐTBXH Lê Văn Thanh yêu cầu tạm dừng việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; khuyến cáo lao động Trung Quốc về quê dịp Tết không nên quay trở lại Việt Nam hoặc quay trở lại phải cách ly 14 ngày theo quy định của ngành y tế.
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu Sở LĐTBXH các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp có sử dụng lao động Trung Quốc lập danh sách cụ thể và báo cáo về số lượng lao động Trung Quốc, số lao động về nước dịp Tết, và kiểm soát chặt chẽ số quay trở lại. Với trường hợp nghi nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh, các địa phương cần báo cáo liên tục, và phối hợp với sở y tế trên địa bàn để tiến hành theo đúng quy trình, quy định.
Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Thanh lưu ý cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận và tạm lùi thời gian xuất cảnh, cần thiết phải kiểm soát được số lao động xuất cảnh này.
Theo Tiền phong