Nếu mỗi người biết vì nhau, tôn trọng nhau và các thế hệ dung hoà được với nhau thì mô hình gia đình "tam đại đồng đường" vẫn là một mô hình gia đình lý tưởng trong xã hội ta.
Ngày nay, xã hội càng hiện đại thì mô hình gia đình "tam đại đồng đường" càng có nguy cơ bị lung lay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do mỗi thế hệ có những quan điểm, sở thích và cách sinh hoạt khác nhau. Thông thường, khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái rất cần có cha mẹ già nhiều kinh nghiệm ở bên chỉ bảo và chăm sóc, trông nom cháu nhỏ. Ngược lại ông bà đến tuổi nghỉ hưu, không có việc gì làm thì rất buồn nên các cháu là niềm vui của họ. Tuy nhiên, khi sống cùng một mái nhà, nếu mỗi người không biết đặt mình vào địa vị của người khác thì cũng nhiều chuyện không vui: nào là chuyện mẹ chồng - nàng dâu muôn thuở, chuyện giờ giấc sinh hoạt lệch nhau, việc nuôi con dạy cháu cũng bất đồng quan điểm... Dần dà ai cũng thấy mệt mỏi và muốn giẫy ra. Để mỗi gia đình có ba thế hệ sống hoà thuận, luôn luôn vui vẻ quả thật không đơn giản.
Chị Lan cùng cơ quan với tôi than phiền: "Mình về làm dâu hai năm đầu chưa có con nên không có chuyện gì. Bố mẹ chồng quý mình lắm nhưng từ khi có con mình mới thấy sống chung ba thế hệ thật phức tạp. Con mình mới 6 tháng tuổi mà bà nội nó đã chan cơm với canh cua cho cháu tập ăn. Mình gàn thì mẹ chồng mình bảo mình cãi. Ông bà già nên ngủ ít, dậy sớm lắm và dậy lúc nào là đánh thức cháu dậy luôn. Chồng mình góp ý, ông bà cũng giận ra mặt và đuổi vợ chồng mình ra ở riêng".
Anh Nam, bạn tôi có lần bức xúc: "Em bảo anh phải làm thế nào bây giờ. Thằng lớn nhà anh 5 tuổi càng ngày càng hư. Nhưng hễ anh giơ roi định vụt là ông bà nội ôm chầm lấy thằng bé: A! Cháu đích tôn của bà, cục cưng của bà mà thằng bố mày dám đánh à. Đánh đi! Bà sẽ đánh cho thằng bố mày một trận. Đấy, em tính thế thì bố mẹ nào mà dạy được con. Lúc anh còn nhỏ, lần nào hư cũng bị bố mẹ cho ăn đòn. Thế mà bây giờ ông bà chiều cháu quá, muốn gì được nấy. Nó biết lõm rồi nên chẳng sợ bố mẹ đâu. Anh lo cứ sống chung với ông bà thế này con anh hư mất. Em thấy miếng đất nào đẹp bảo anh, vợ chồng anh tìm mua để xây nhà ra ở riêng thôi".
Bà An - hàng xóm với nhà tôi tự dưng từ thành phố trở về, không cho người ta thuê nhà nữa. Hai ông bà lủi thủi sống với nhau. Hỏi ra mới biết, vợ chồng anh con trai cả đón ông bà lên ở cùng để trông nom hai đứa cháu sinh đôi. Ở cùng với con cháu tưởng được khuây khoả lúc tuổi già nào ngờ ông bà chỉ thấy bức bối, khó chịu nên chưa được hai năm ông bà đã nhất quyết đòi về quê. Bà An thở dài: "Chung quy là chúng nó không thích ở với mình mà mình cũng không thích ở với chúng nó. Chị tính vợ chồng tôi thích xem cải lương nhưng vợ chồng nó thích xem phim chưởng cơ. Nhà chật, điện đắt nên mua thêm cái ti-vi nữa cũng không đành. Chúng ngủ muộn, dậy muộn, mình ngủ sớm dậy sớm, lục đục làm mất giấc ngủ của chúng nó. Đến nấu cơm cũng phải dùng hai nồi cơm điện vì vợ chồng tôi răng yếu nên thích ăn cơm nát, vợ chồng nó lại thích ăn cơm khô... Ôi dào! Còn nhiều thứ khó chịu lắm. Ở thành phố chẳng khác nào ở tù giam lỏng. Chúng tôi về quê sống cho thoải mái. May mà tôi chưa bán cái nhà này".
Không ai muốn "vạch áo cho người xem lưng", nên sự thật không biết có bao nhiêu gia đình kiểu như gia đình chị Lan, anh Nam và bà An kể trên? Nếu mỗi người biết vì nhau, tôn trọng nhau và các thế hệ dung hoà được với nhau thì mô hình gia đình "tam đại đồng đường" vẫn là một mô hình gia đình lý tưởng trong xã hội ta.
TRẦN THỊ LÀNH