Vừa đi đến ngã ba, Triều bật đèn xin đường, giảm ga cho xe đi chậm lại. Bỗng chiếc xe đổ vật xuống đường, người văng ra, mặt úp xuống đất.
Đấy là sau này, khi Triều được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghĩ lại thế. Chứ lúc ấy Triều đang ngồi trên xe máy, bỗng bị văng xuống đường còn biết trời đất gì nữa. Giả có biết cũng là trong mơ màng như có tiếng người con gái, vừa luồn tay xuống dưới gáy nâng đầu Triều, vừa nhỏ nhẻ run rẩy: “Anh có đau lắm không?”. Giây lát, vẫn giọng nữ trầm nhẹ ấy, nhưng vội vã, gấp gáp như nói với nhiều người, làm ơn hộ một tay đưa anh ấy lên tắc-xi. Thế, thế. Đi thẳng lên bệnh viện tỉnh. Lần này giọng nói to và dứt khoát hơn, nhưng Triều cũng chỉ lơ mơ tiếng được tiếng mất. Mãi hôm Triều có thể nhận biết, phân định được tiếng nói và hình dáng người ở bên, anh mới vỡ vạc ra ít nhiều về người con gái tông xe vào anh ở ngã ba Tân Bình. Đấy là Hải, bác sĩ khoa ngoại, chính khoa Triều điều trị, nhà cách bệnh viện hơn cây số. Kể từ lúc thuê tắc-xi đưa Triều vào bệnh viện, ngoài giờ thăm khám cho bệnh nhân trong khoa, hầu như không ngày nào Hải không đến giường anh một vài lần, nhiều khi chẳng để làm gì, nhưng dường như cứ đến đứng nhìn Triều giây lát rồi quay ra, Hải mới thấy yên tâm. Những cử chỉ dịu dàng và sự chăm sóc thân tình của cô bác sĩ làm Triều nhiều lúc cũng thấy bớt đi sự ngần ngại trong chuyện trò, tiếp xúc giữa một bệnh nhân “trái tuyến” với người thầy thuốc đang trực tiếp điều trị cho mình.
Quê vùng vải thiều nổi tiếng, sau khi tốt nghiệp khoa máy tàu Đại học Hàng hải, Triều xin vào hải quân theo lời trăn trối của mẹ trước khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo: “Học xong mười hai, dù thi đại học được hay không, con cũng phải vào bộ đội hải quân để dò tìm tung tích của bố”. Mẹ không tin bố đã hy sinh trong một chuyến vận tải vũ khí bằng đường biển vào miền Nam, dẫu giấy báo tử mãi sau năm 1975 mới gửi về xã còn ghi rõ thế. Mẹ vẫn đi tìm. Và rồi mẹ đã tìm thấy bố. Không phải trong doanh trại hay trên con tàu nào, mà là trong Bảo tàng Hải quân ở Hải Phòng. Nhưng cuộc gặp linh nghiệm ấy chẳng những không làm mẹ thỏa lòng, mà chỉ càng thêm thôi thúc mẹ đi tìm bố. Tìm mãi. Tìm mãi. Lận đận cả đời vẫn không thấy tung tích chồng. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay chỉ còn biết dặn con, học gì thì học, cũng phải vào bộ đội hải quân mới may tìm ra tung tích bố con.
Vậy mà, Triều vào bộ đội hải quân hơn mười năm nay vẫn chưa thực hiện được điều mẹ trăn trối, không biết gì hơn về người cha ngoài mấy dòng vắn tắt ghi trong giấy báo tử. Nhiều lần Triều đã gặp, thậm chí đứng đối diện với những người đứng tuổi trong quân ngũ, anh cũng định đánh bạo hỏi, chú ở quân chủng lâu, có biết bố cháu…Dạ, cao thấp, béo gầy thế nào cháu cũng không được biết, vì bố mẹ cháu cưới xong chỉ được ở với nhau đúng ba ngày thì bố cháu phải trở về đơn vị. Rồi từ đó… Nhưng cũng chưa lần nào anh có gan đánh bạo hỏi ai thế.
Chủ nhật sau hai tuần Triều được Hải chăm sóc như với người nhà, anh cảm thấy như không còn gì ngăn cách giữa bệnh nhân với thầy thuốc, khi Hải đưa cặp mắt đen lánh như hai giọt nước nhìn thẳng vào khuôn mặt vuông chữ điền có vầng trán dô bướng bỉnh của Triều với cái nhìn rất lạ, giọng thỏ thẻ: “Mai anh xuất viện rồi! Bố em bảo vào mời anh ra nhà em chơi ăn bữa cơm với gia đình, để bố con em được nói lời cảm ơn anh”. Triều không ra nhận lời cũng không ra từ chối, lại nói: “Lẽ ra anh phải cảm ơn em và gia đình đã tận tình chăm sóc anh suốt hai tuần nay, chứ sao em và bố lại cảm ơn anh là thế nào”. Hải nói ngay, giọng cởi mở: “Chẳng là thế nào. Chỉ đơn giản là em mới là người gây ra tai nạn làm anh phải nằm viện mà em vẫn như người vô can, không bị xử phạt giao thông. Là do anh nhận mình có lỗi khi rẽ không xi nhan xin đường, nên em mới không bị phạt. Chứ không, chí ít chiếc xe cũng bị giữ hôm nay cũng chưa được nhận lại”. Nói thế là hết lẽ. Nhưng Triều lại bảo: “Để cơm chiều bệnh viện xong, khoảng sáu giờ em ra đón anh vào thăm nhà, chứ cần gì phải cơm nước phiền toái, hả em”. Nhưng cô bác sĩ lại nhìn anh cười: “Anh làm gì còn cơm bệnh viện nữa. Em báo cắt cơm anh chiều nay rồi”. Triều đưa mắt nhìn Hải đang rạng rỡ cười tươi, chỉ bật lên được mỗi tiếng không ra ngỡ ngàng cũng không ra gọi hỏi: “Em…!”. Thì Hải đã giục: “Mình đi thôi, anh!”.
Cơm tối xong, bên chiếc bàn uống nước chỉ còn hai ông con, câu chuyện giữa ông Thời, bố Hải, và Triều càng thêm cởi mở, gần gũi. Nhất là khi ông Thời nghe Triều nói, bố cháu hy sinh trong một chuyến vận tải vũ khí vào Nam, mãi sau năm 1975 mới có giấy báo tử gửi về, ghi thế, thì ông Thời như bật dậy trong tâm thức một cái gì bấy lâu còn ủ kín. Ông Thời nhoài người qua chiếc bàn uống nước, nắm chặt một bên tay Triều: “Cháu quê Thanh Hà thật hả. Thế bố cháu tên là gì?”. Triều lắp bắp: “Bố cháu… Nhưng có khi chú chẳng biết đâu, vì bố cháu đi bộ đội hải quân, nghe đâu ở đoàn tàu…”. Tức thì, ông Thời như bật dậy: “Tàu không số! Thì chú cũng tàu không số đây”. Triều chưa kịp hỏi lại điều gì, đã nghe tiếng ông gạn hỏi: “Nhưng chú hỏi thật, mẹ con cháu còn giữ được cái gì của bố cháu để lại không. Chứ tên gọi thì nhiều người trùng tên nhau. Giá còn kỷ vật gì thì cũng dễ nhận”. Nghe thế, Triều bỗng nhớ vội rút ví lấy ra tấm ảnh bằng nửa bàn tay, bảo: “Chỉ còn mỗi vật này thôi, chú ạ”. Ông Thời vội đón tấm ảnh, lướt nhìn đã biết là ảnh chụp lại từ sách báo vì nước ảnh nhàn nhạt cũ cũ. Nhưng khi ông đứng dậy với tay lên ban thờ lấy kính lão đeo vào, thì ông lại bỗng chỉ tay vào tấm ảnh, nói như reo: “Ố, tôi đây, bố anh đây, đúng anh Hệ rồi!”. Chỉ được có thế, ông vội cầm tấm ảnh ấp chặt vào ngực, rồi bỗng bật lên những tiếng hu hu tưởng như không dứt: “Ối anh Hệ ơi là anh Hệ ơi, sao bao nhiêu năm anh không về báo tin tức gì cho vợ con, mà để vợ con anh tìm mãi thế, anh ơi!”. Trong lúc ông Thời cất lên những lời thống thiết ấy, Triều như lặng đi, môi mấp máy mà không sao bật lên thành lời, bố cháu đâu, người nào trong ảnh là bố cháu, hả chú, nhưng anh cứ trân trân nhìn ông Thời, miệng há hốc. Còn mọi người trong nhà, Hải và mẹ, bà chị dâu và cô cháu gái, nghe tiếng ông như người nhập đồng thế, bỗng sửng sốt đổ xô ra nhà ngoài. Bấy giờ ông Thời mới nhìn Triều, hỏi: “Sao cháu lại có cái ảnh này?”. Triều bảo, hồi mẹ cháu còn sống, một lần vào Bảo tàng Hải quân, nhìn thấy cái ảnh này, mẹ cháu nói với các cô chú trong bảo tàng có cách gì cho mẹ con em được có tấm ảnh này thì đội ơn mấy cô chú quá. Một cô ghi lại địa chỉ nhà cháu. Thế là tuần sau bảo tàng họ gửi tấm ảnh chụp lại này cho mẹ cháu. Ông Thời nhìn Triều mà như nói với bà vợ và con gái, con dâu: “Đây là anh em đơn vị tôi trên tàu không số đi chuyến ấy. Có lẽ cấp trên lường trước khó khăn, nên đồng chí thiếu tướng chỉ huy Quân chủng đã xuống tận tàu động viên trước khi rời bến”.
Trước tết Nguyên đán ba ngày, con tàu mang bí số 143 được lệnh xuất phát đưa vũ khí cập bến Thuận Đức, Quảng Ngãi. Tàu đi suốt đêm, khi trời vừa hửng sáng thì bỗng thuyền trưởng phát hiện ra sáu tàu chiến địch đang tiến lại. Anh phát lệnh chuẩn bị chiến đấu. Chỉ giây lát, tàu 143 của chúng tôi bị lọt giữa vòng vây của gần chục tàu chiến ngụy và khu trục hạm Mỹ. Cuộc đối đầu không cân sức, một bên là con tàu nhỏ bé như cố thu mình lẩn tránh, một bên là những con tàu lớn trang bị hiện đại, đang muốn ăn tươi nuốt sống tàu của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co, quyết liệt. Mọi người trên tàu bất chấp hiểm nguy. Lái trưởng bị trúng đạn, thuyền phó hàng hải điều người lên lái thay, nhưng anh nhất định không rời vị trí. Chỉ đến khi không còn sức bẻ bánh lái nữa, anh mới chịu gục ngay trên tay lái. Người lái trưởng ấy chính là anh Hệ, bố cháu đấy, Triều ơi! Ông Thời chỉ kịp nhìn Triều nói thế, là gục đầu xuống mặt bàn, hai vai rung lên. Triều và Hải, bà vợ và con dâu, ai nấy lặng lẽ nhìn ông. Dường như mọi người đều không muốn động tới sợi giây đồng đội đang trỗi dậy mãnh liệt trong ông, sau bao lâu nằm yên nơi đáy lòng.
Giữa bầu không khí tĩnh lặng ấy, Hải từ chỗ giường mẹ ngồi lẳng lặng đi lại bên bàn, kéo ghế ngồi cạnh Triều. Mải trôi theo dòng chuyện ông Thời kể, Triều không biết có Hải vừa kéo ghế ngồi cạnh, nếu như Hải không khẽ khàng ấp bàn tay mình lên tay anh. Họ cứ lặng lẽ nắm tay nhau như thế, mắt ngước nhìn ông Thời đang chân tình, rành rẽ nói với Triều: “Bố cháu là một chiến sĩ hải quân gan dạ, dũng cảm như thế đấy, Triều ạ! Chú nghĩ không những cháu, mà cả mẹ cháu nếu còn sống nghe chuyện này cũng rất tự hào, vì có người chồng biết xả thân vì nghĩa lớn”. Ông còn định nói gì nữa với Triều và Hải, bà vợ và con dâu, nhưng chợt nghĩ, có khi không nói gì thêm nữa mà để tự mỗi người suy ngẫm, lại hơn.
Truyện ngắn của CAO NĂM